Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 17/4/2009 16:33'(GMT+7)

Phản biện xã hội và các hình thức, giải pháp thực hiện ở Hà Nội

1. Đảng và Nhà nước ta hoạt động không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Trên đất nước Việt Nam, Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng luôn luôn coi trọng nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, đòi hỏi Đảng phải cầm quyền khoa học, dân chủ, theo luật và vì dân.

Trong điều kiện một Đảng cầm quyền ở nước ta, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và tính ưu việt nổi trội, tuy nhiên nếu không thực hiện tốt bản chất của một Đảng cách mạng khoa học với mục đích vì dân cũng dễ xảy ra tình trạng duy ý chí, chủ quan thậm chí sa vào quan liêu. Do vậy, việc cần có một cơ chế cụ thể, rõ ràng, minh bạch để nhân dân bày tỏ thẳng thắn ý kiến, thực hiện giám sát và phản biện xã hội là thực sự cần thiết đối với các dự thảo, dự án, dự kiến những quyết định lớn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Sự phản biện xã hội và giám sát xã hội sẽ giúp Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị kiểm nghiệm các chủ trương, chính sách có thực sự hợp quy luật và hợp lòng dân hay không. Giúp Đảng và hệ thống chính trị thực sự vì dân để dân tin Đảng, trung thành và đi theo Đảng. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của mình, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, giúp không ngừng hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng tốt hơn, từ đó phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn. Nhân dân tham gia giám sát xã hội và phản biện xã hội với tư cách vừa là người chịu sự lãnh đạo, vừa là người làm chủ, vừa là người thực hiện và vừa là người được phục vụ và thụ hưởng.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(1).

Trong khoa học, phản biện là nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định các công trình khoa học, dự án, đề án, đề tài trong các lĩnh vực khác nhau

Phản biện xã hội có điểm chung đó, nhưng có phạm vi, đối tượng, nội dung quy mô, lực lượng tham gia rộng lớn hơn nhiều.

Phản biện xã hội huy động, không chỉ các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn mà còn khích lệ đông đảo nhân dân, lực lượng to lớn của xã hội được tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc đóng góp ý kiến về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, hình thức, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...

Phản biện xã hội đến Đại hội X, được chính thức ghi vào trong Văn kiện của Đảng nhưng trên thực tế, phản biện xã hội đã diễn ra trong xã hội ta từ rất lâu rồi. Ngay cả đường lối đổi mới của Đảng từ cách đây hơn 20 năm cũng đã bắt đầu từ hoạt động thực tiễn, từ ý kiến đóng góp của nhân dân. Qua hoạt động thực tiễn và ý kiến của nhân dân mà đường lối đổi mới được hình thành. Đồng thời cũng chính qua hoạt động thực tiễn và ý kiến đóng góp của nhân dân mà đường lối đổi mới ngày càng được phát triển, hoàn thiện. Có thể nói, xã hội ta, nhân dân ta là cơ sở nảy sinh đường lối và sự nghiệp đổi mới; Đảng ta là người khái quát, tổng hợp, tổng kết hoạt động thực tiễn, hoạt động nhận thức của nhân dân. Như vậy, Đảng là tác giả của chiến lược đổi mới trên cơ sở hoạt động thực tiễn và phản biện của nhân dân (mặc dù đến Đại hội X, chúng ta mới nêu lên khái niệm phản biện xã hội).

Phản biện xã hội mang tính xã hội sâu sắc, thực chất là thực hiện quyền lực chính trị, phát huy dân chủ về quyền làm chủ của nhân dân, nêu cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phục vụ lợi ích của nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhân dân cũng là nơi nhạy cảm phát hiện các chủ trương chính sách đúng hoặc sai, các chủ trương chính sách cần bổ sung, điều chỉnh, phát triển. Phản biện xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu và đòi hỏi tất yếu của quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước hợp quy luật, hợp lòng dân, khắc phục tệ quan liêu trong xã hội chúng ta.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi phản biện xã hội mang tính xã hội sâu sắc, phản ánh quan điểm, quyền lợi của các lực lượng xã hội khác nhau, với trình độ, nhận thức khác nhau ngay trong cùng một vấn đề, vì vậy dễ dẫn đến ý kiến khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vì vậy, chủ thể thực hiện phản biện xã hội (ví dụ là Mặt trận Tổ quốc) và bảo đảm yêu cầu phản biện (ví dụ như các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước), cần luôn luôn xuất phát từ mục đích và đối tượng được phục vụ, thực hiện, thụ hưởng (là nhân dân) để đạt tới sự thống nhất và đồng thuận nhằm ổn định xã hội, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích của nhân dân.

Mặt khác, trong nhân dân như đã đề cập cũng có nhiều giai tầng, gắn với nhiều loại lợi ích, vì vậy ý kiến nhiều khi cũng khác nhau, trái nhau, phong phú, đa dạng... Vấn đề là phải xử lý thông tin, phân tích các ý kiến để tìm đến các hạt nhân hợp lý trong các ý kiến nêu lên. Cần hết sức tránh khuynh hướng ngộ nhận, tạo ra sự mâu thuẫn theo kiểu đối kháng không có lợi, không đáng có. Đồng thời khi nghe ý kiến nhân dân cần phải trân trọng cả các ý kiến chưa rõ, chưa đúng, thậm chí cả những ý kiến trái tai. Thực ra, nếu biết cách nghe và có thái độ nghe khoa học thì cũng có thể từ những ý kiến trái tai, chưa rõ, chưa đúng lại gợi mở cho ta cách suy nghĩ và tìm đến những ý đúng, lôgic, hợp chân lý.

2. Từ nhiều năm trước đây, mặc dù chưa nêu khái niệm phản biện xã hội nhưng trong thực tiễn rất nhiều hoạt động phản biện xã hội đã diễn ra

Hàng năm vào các kỳ họp Quốc hội, các kỳ hội nghị của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đều tập hợp ý kiến của nhân dân, của cử tri phản ánh với Đảng, Quốc hội, HĐND, chính quyền thành phố, phản ánh tâm tư nguyện vọng, những đề nghị, đề xuất của nhân dân trên những vấn đề không chỉ bức xúc nảy sinh mà còn cả những vấn đề lớn, lâu dài của đất nước, của thành phố.

Cuộc sống phong phú, đa dạng, những ý kiến của nhân dân được tập hợp cũng phong phú, đa dạng như bản thân cuộc sống. Những ý kiến của nhân dân không chỉ là chuyện “cơm, áo, gạo tiền” hàng ngày mà còn liên quan đến những chủ trương, chính sách lớn của đất nước và Hà Nội.

Ví dụ: Rất nhiều lần nhân dân ý kiến về chính sách giải phóng mặt bằng nhưng “kê mãi không bằng” xung quanh những vấn đề sở hữu, sử dụng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ... cho người bị thu hồi đất, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Trên lĩnh vực đất đai, nhiều khi chính sách của chúng ta đã gây ra những bất công xã hội không đáng có. Từ hiện thực cuộc sống đặt ra: Tại sao trong nhiều năm gần đây, khiếu kiện vượt cấp kéo dài, 70-80% khiếu kiện lại quanh chuyện đất đai? Tại sao chúng ta để diễn ra trong nhiều năm, đầu vào của đất thì giá nhà nước nhưng đầu ra lại giá thị trường? Nhưng điều đáng suy nghĩ hơn là địa tô chênh lệch thì cả Nhà nước và nhân dân không được hưởng. Theo đồng chí Bùi Ngọc Tuân, Phó Vụ trưởng vụ đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô ra ngày 30-7-2008, đồng chí cho rằng: khung giá đất mà Chính phủ ban hành trong những năm qua không theo kịp điều kiện phát triển kinh tế xã hội. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành hàng năm cao nhất chỉ đạt 60% so với giá thị trường, tỉnh thấp nhất chỉ khoảng 30%. Cho nên đã có rất nhiều khiếu nại về đất đai xảy ra, tập trung chủ yếu là giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng chí cũng cho biết: có những dự án đền bù cho người nông dân 130 nghìn đồng/m2 đất, nhưng sau đó chủ đầu tư bán tới 43 triệu đồng/m2 đất. Đầu vào theo giá Nhà nước, đầu ra lại theo giá thị trường và khoản chênh lệch đó Nhà nước và người nông dân không được hưởng lợi (2).

Có nhà khoa học đã tính toán trong 10 năm (1994 - 2004) do sơ hở và không khoa học trong chính sách giá đất mà Nhà nước đã mất khoảng 1 triệu tỉ đồng Việt Nam, tương đương 70 tỷ USD(3).

Chính khoản tiền chênh lệch do giá Nhà nước (đầu vào) giá thị trường (đầu ra) mà Nhà nước và nông dân không được hưởng lợi, nên mới có hiện tượng một vị Tổng giám đốc tuyên bố công khai: “có dự án chúng tôi phải bỏ 5-6 triệu USD tiêu cực phí mà chưa xong”(4). Đi kèm với chuyện thất thoát tiền, là chuyện bức xúc trong dân biểu hiện bằng những đơn thư khiếu kiện kéo dài, còn phải trả thêm giá về con người: 1.300 cán bộ, công chức bị khởi tố vì “dính” tới đất đai(5).

Giá như chúng ta biết nhanh chóng xử lý thông tin, tiếp thu những ý kiến phản biện của nhân dân, của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, chắc chắn không phải trả giá đến như vậy.

ở Hà Nội, lắng nghe ý kiến của nhân dân qua các kênh, không chỉ giúp bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chủ trương, kế hoạch, mà có khi còn giúp Thành ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân điều chỉnh cả một số chủ trương, dự án lớn. Ví dụ: Trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã quyết định bắn pháo hoa chào mừng vào đêm 10-10-2000 ở 8 địa điểm của thành phố Hà Nội. Trong khi đó lũ lụt lớn đang xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ, ý kiến của nhân dân được thu nhận qua các kênh đã giúp lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định ngừng bắn pháo hoa, dùng số tiền đó ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.

Một quyết định được nhân dân đồng tình cao.

Một ví dụ khác, vào dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã chủ trương tổ chức lễ hội lớn vào đêm 10-10 với quy mô hoành tráng và gây ấn tượng, dự kiến cho chương trình lễ hội, huy động hàng ngàn diễn viên, với kịch bản đã được dự thảo, dự kiến khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của những năm đó, có hiện tượng, nhiều tỉnh, thành khi kỷ niệm, các chương trình lễ hội gây tốn kém và na ná nhau, có người gọi là “Hội chứng lễ hội kỷ niệm”. Theo ý kiến phản biện của nhân dân, lãnh đạo thành phố Hà Nội không xây dựng chương trình theo hướng “Hội chứng” và tốn kém mà thực hiện chủ yếu là xã hội hóa. Huy động nhiều đoàn văn công, đội văn nghệ đã có của Hà Nội và mời một số đoàn của các tỉnh thành, cùng với huy động và phát huy các trò chơi dân gian... Cả đêm 10-10-2005 thực sự là đêm hội của nhân dân... Nhân dân là người vừa tham dự, vừa là người tham gia, vừa là chủ thể, vừa là tác giả, diễn viên của đêm hội. Toàn bộ số tiền dự kiến cho lễ hội kiểu “hội chứng”, “quan phương” tiết kiệm được đã giành tặng các gia đình chính sách, neo đơn, các cụ cao tuổi từ 90 trở lên ở Hà Nội.

Một quyết định hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình rất cao.

Có thể kể ra, nhiều ví dụ khác khi biết lắng nghe ý kiến và biết xử lý, tiếp thu ý kiến đúng của nhân dân. Khi biết chân thành lắng nghe ý kiến phản biện xã hội, đã giúp cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý có những quyết sách đúng. Những quyết sách đúng không chỉ tiết kiệm tiền, của mà còn tạo ra sự tin tưởng đồng thuận trong nhân dân - đây mới là cái có giá trị và ý nghĩa lớn hơn. Ví dụ như việc dừng dự án Thủy cung Thăng Long, Thay nước Hồ Tây... hay mới đây là dừng làm bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn khi điều kiện chưa đủ và tốn kém hàng trăm tỷ đồng mà chưa biết chất lượng như thế nào.

3. Các hình thức phản biện xã hội hiện nay rất phong phú, có thể:

- ý kiến đóng góp của nhân dân cho Đảng, Quốc hội, đặc biệt là vào các dịp họp Trung ương, họp Quốc hội, vào các dịp Hội nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân; về các nghị quyết, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước...

- Các ý kiến của cử tri, đại biểu cử tri khi các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiếp xúc trực tiếp với cử tri.

- Các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

- Lấy ý kiến của nhân dân về các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ thành phố; dự thảo các luật của Quốc hội, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố trước khi thảo luận và thông qua; các dự án, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến lợi ích của nhân dân.

- Trưng cầu ý dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Nắm ý kiến, phản biện xã hội thông qua các kênh:

+ Phản ánh của cấp ủy các cấp.

+ Phản ánh qua giao ban tuyên giáo các cấp.

+ Phản ánh qua thu hoạch của học viên các lớp học tập nghị quyết, chuyên đề.

+ Phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Phản ánh qua dư luận xã hội.

+ Phản ánh thông qua việc tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân được Mặt trận tập trung chỉ đạo tổ chức, thực hiện suốt 7 năm qua. Có năm (2007), đã tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân tại 7.000 tổ dân phố, 579 thôn làng và 100% xã, phường, thị trấn; tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại 2.453 khu dân cư (chiếm 95% tổng số khu dân cư, thu hút hàng chục vạn người tham dự, đóng góp hàng vạn ý kiến bổ ích, thiết thực xây dựng kinh tế - xã hội địa phương).

4. Các giải pháp thực hiện phản biện xã hội, có thể:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, của nhân dân trước hết là từ trong Đảng đến xã hội về tầm quan trọng, vai trò của phản biện xã hội trong điều kiện một Đảng cầm quyền vì lợi ích của nhân dân.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thường xuyên tổng hợp ý kiến của nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm; tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật; đồng thời đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Ba là, xây dựng và sớm ban hành cơ chế, các quy định cụ thể để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội.

Bốn là, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người dân được tự do, thoải mái bộc lộ suy nghĩ và bày tỏ các ý kiến của mình vì lợi ích của đất nước.

Năm là, chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là về tổ chức, cán bộ, phương thức, tài chính... cho việc thực hiện phản biện xã hội.

Mặt trận Tổ quốc cần phải xây dựng lực lượng cán bộ Mặt trận và các chuyên gia có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật, có khả năng tư duy khoa học lại có kinh nghiệm vận động quần chúng, đặc biệt là có bản lĩnh vững vàng trong giám sát và phản biện. Yếu tố tổ chức và con người có ý nghĩa quyết định đến thành công của giám sát và phản biện xã hội.

Mặt trận Tổ quốc phải có đủ năng lực tài chính và được tự chủ về tài chính để đảm bảo tính độc lập, chủ động trong phản biện xã hội, không bị lệ thuộc vào ý chí vàå tác động của lực lượng khác mới thực sự khách quan trong hoạt động giám sát và phản biện. Mặt trận Tổ quốc sử dụng nguồn tài chính do Nhà nước cung cấp theo Luật Ngân sách do cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, HĐND tỉnh) phân bổ trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán theo pháp luật quy định.

Sáu là, tiến hành đồng bộ và triệt để tất cả các giải pháp đã đề ra. Tất nhiên trong mỗi giai đoạn cần lưu ý tới các giải pháp ưu tiên, đột phá.

Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, một hình thức đồng thời cũng là giải pháp quan trọng mang tính đột phá cho phản biện xã hội chính là tổ chức các hình thức đối thoại./.

PGS, Ts. Nguyễn Chí Mỳ
——————

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.305.

(2) Xem: Báo An ninh Thủ đô ngày 30-7-2008, Báo Hà Nội mới, ngày 2-8-2008.

(3), (5) Xem: Báo An ninh Thủ đô ngày 7-2-2007.

(4) Xem: Báo Lao động, số 32/2007, ngày 7-2-2007.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất