Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 2/5/2009 10:27'(GMT+7)

Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX việc phát triển văn hóa, xã hội và thực hiện các mục tiêu xã hội đã đạt được những kết quả nhất định. Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định: “Văn hóa và xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt; việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tốt; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện”(1).

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX còn những khuyết điểm và yếu kém: “Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm”(2).

Cơ chế, chính sách về văn hóa-xã hội chậm đổi mới; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt.

Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra. Nhu cầu về việc làm ở thành thị và nông thôn chưa được đáp ứng tốt.

Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp. Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật, xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi ích vật chất đơn thuần chưa được khắc phục. Quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực trong giáo dục, y tế, thể dục thể thao còn yếu kém.

Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng. Tội phạm và một số tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng. Tai nạn giao thông gây nhiều thiệt hại về người và của (3).

Để thực hiện thắng lợi toàn diện những nhiệm vụ Đại hội X đã đề ra, hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho kế hoạch 5 năm sau, phải đẩy nhanh hơn nữa công cuộc đổi mới, tăng nhanh nhịp độ phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn với phát triển văn hóa, xã hội theo định hướng XHCN. Một mặt, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo cho được một bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học-công nghệ. Mặt khác, phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ hơn nữa với tăng trưởng kinh tế, tập trung giải quyết một bước quan trọng một số vấn đề xã hội bức xúc nhất, như xóa đói giảm nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn (các vùng sâu, vùng xa, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số), chăm lo điều kiện chữa bệnh, học tập của người nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy lùi một bước các tệ nạn xã hội, tình trạng phạm tội, việc khiếu kiện đông người, giảm mạnh tai nạn giao thông. Tiếp tục triển khai mạnh trong thực tiễn quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; quán triệt sâu sắc hơn nữa ở tất cả các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về vai trò động lực của các yếu tố văn hóa, xã hội đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển đối với từng lĩnh vực văn hóa, xã hội trên cơ sở gắn bó chặt chẽ với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, tăng cường cải cách hành chính và xây dựng Đảng.

Tập trung chỉ đạo làm thật tốt các công việc như: tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Đổi mới một cách cơ bản cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động khoa học-công nghệ; lấy chất lượng sản phẩm, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu chủ yếu của hoạt động khoa học-công nghệ. Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống, lối sống văn hóa, văn minh; hình thành các giá trị con người mới, giá trị xã hội mới làm cơ sở và động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế, hệ thống khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân (các cơ sở y tế của Nhà nước và ngoài Nhà nước); hoàn thiện cơ chế, chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng chính sách và bệnh nhân nghèo. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế. Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao; tiếp tục nâng cao trình độ thể thao nước nhà. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, chính sách chăm sóc trẻ em để giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng; coi trọng nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững trên cơ sở tổ chức phối hợp lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Sớm ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp để khuyến khích các tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo, trên cơ sở đầu tư hỗ trợ của Nhà nước tự lực phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói, nghèo. Đẩy mạnh giải quyết việc làm phải đi đôi với việc tăng cường năng lực quản lý nguồn lao động, thiết lập hệ thống thông tin, dự báo thị trường lao động; gắn kết chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề; tập trung đào tạo có trọng điểm ở các trình độ đối với các lĩnh vực công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu học nghề, tìm việc làm đa dạng trên từng địa bàn. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động gắn liền với tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu. Từng bước đẩy mạnh xuất khẩu lao động có chất lượng cao. Tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách; có chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện sinh hoạt của từng vùng để cải thiện đời sống cho các đối tượng người có công có hoàn cảnh đặc biệt như bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh nặng...

Phòng, chống tệ nạn xã hội phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã hội, là một trong các chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, đơn vị và đánh giá năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra các mô hình, giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội có hiệu quả hơn.

Phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta rất coi trọng và tìm mọi nguồn lực, mọi biện pháp để đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong điều kiện tổng GDP, lượng tuyệt đối của 1% tăng trưởng GDP của nền kinh tế còn thấp, thì việc tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế là có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Những năm tới, đất nước ta có cơ hội đớn để tiến lên, tuy khó khăn còn nhiều. Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn./.

—————-

(1), (2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 57-59, 61-62, 63.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất