Thứ Bảy, 19/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 25/3/2017 22:25'(GMT+7)

Bài 2: Hành trình của trí tuệ và quyết tâm

 
Không bỏ lọt tội phạm

Năm 2010, vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được phát hiện qua công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Từ quá trình điều tra của cơ quan chức năng, dư luận vô cùng sửng sốt bởi mức độ sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Kéo dài hai năm (đến cuối tháng 8-2012), vụ án tưởng như khép lại sau phiên tòa phúc thẩm với bản án thích đáng cho bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinashin), được dư luận hết sức đồng tình. Thế nhưng, với những cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác điều tra, vụ án mới được coi là kết thúc một phần, khi đối tượng có dấu hiệu phạm pháp đã bỏ trốn trong khi tài sản của Nhà nước chưa thu hồi được. Vì vậy, sau phiên tòa phúc thẩm trên kết thúc, một hồ sơ vụ án mới được xác lập, liên quan đến Giang Kim Đạt.

Khi đó, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu các cán bộ điều tra mở rộng điều tra, truy bắt Giang Kim Đạt: “Việc điều tra, mở rộng vụ án phải bảo đảm tính hiệu quả, triệt để. Còn một đối tượng bỏ trốn, còn những khoản tiền của Nhà nước trong vụ án bị thất thoát là chúng ta còn mắc nợ với Đảng, với nhân dân. Tôi tin, xuất phát từ động lực như vậy, với năng lực, cộng hưởng tinh thần trách nhiệm, các đồng chí sẽ hóa giải được phần còn lại của vụ án, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”.

Niềm tin và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lan tỏa đến Ban chuyên án. Ròng rã gần 5 năm, vừa thu thập chứng cứ vừa truy tìm đối tượng, cuối cùng Giang Kim Đạt đã sa lưới vào tháng 7-2015 và đã được đưa ra xét xử, nhận mức án nghiêm khắc… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xét xử các vụ án tham nhũng, ở một đơn vị có 2 án tử hình... Điều đặc biệt trong vụ án này còn bởi, Giang Kim Đạt “cao chạy xa bay” ra nước ngoài, nhưng không thoát được “lưới trời lồng lộng”.

Còn trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) xét xử sơ thẩm ngày 27-2-2017, quá trình điều tra là hành trình bóc tách những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo giữa các bị cáo của vụ án này với những vụ “đại án” khác. Sau hai năm (từ cuối năm 2014), “bức tranh” về những hành vi sai phạm của 48 bị cáo dần dần hiện rõ. Từ đây, lộ ra những kẽ hở trong quản lý cũng như những mánh khóe đục khoét hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Sau 10 ngày diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề mới được phát hiện trong quá trình thẩm vấn nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, quyết không bỏ lọt tội phạm.

Bền bỉ, trí tuệ

Thông qua công tác điều tra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế ngày càng diễn biến phức tạp, hành vi của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm tài chính, ngân hàng, thuế, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai... Trên địa bàn Hà Nội, theo Công an thành phố, hiện còn nhiều kẽ hở trong quản lý có thể bị tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng và chức vụ lợi dụng, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trong thực hiện chính sách của Nhà nước, thực hiện các TTHC… Vì vậy, việc điều tra, khám phá và đưa ra xét xử những “sâu mọt” càng phải được tổ chức, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, đi đôi với nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ điều tra.

Cùng với ngành Công an, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố. Để đạt mục tiêu, 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, chức vụ khi có đủ căn cứ đều được khởi tố, điều tra đúng pháp luật, quyết không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội ngay từ giai đoạn đầu, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định phải luôn nỗ lực, bền bỉ, trí tuệ và quyết tâm.
 
"Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Năm 2016 là các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội, Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Năm 2017, sau 2 “đại án” xảy ra tại Vinashin và Oceanbank, Tòa án nhân dân thành phố sẽ sớm đưa ra xét xử vụ án Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính
(Còn nữa)
 
 
Nhóm phóng viên (Nguồn HàNộiMới)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất