Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 10/11/2012 15:34'(GMT+7)

Bài ca về sự hy sinh thầm lặng gieo chữ nơi vùng khó

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Bám trường, bám lớp, bám dân

Cho đến tận bây giờ, cô giáo Sái Thị Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Yên Lâm 1 (xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) vẫn không thể quên được những ngày đầu tiên dựng trường, mở lớp ở Yên Lâm. Đây là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên với 85% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống nơi những thôn bản hẻo lánh.

“Trường khi đó chỉ là tranh tre nứa lá, gió rét căm căm. Những đêm đông lạnh giá, những trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn tù mù, tôi tưởng chừng sẽ không thể làm nổi trách nhiệm của mình,” cô Hạnh chia sẻ.

Cuộc sống nghèo khó, người dân suốt đời phải lo lắng cho đủ ăn nên việc học hành của con cái trở thành một điều xa xỉ, ít được cha mẹ quan tâm. Thay vì đi học, các em phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ trông em, làm nương rẫy.

Cô Hạnh kể, để đưa được học sinh đến trường, cô đã phải băng rừng lội suối vận động từng gia đình, thực hiện “ba cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để tạo mối quan hệ mật thiết với các già làng, trưởng bản.

Giống như cô Hạnh, cô giáo Quản Mai Thanh (trường Mầm non Hoa Mai, Đà Bắc, Hòa Bình) cũng không khỏi bàng hoàng trong ngày đầu đặt chân đến vùng cao. Sinh ra và lớn lên ở thành thị (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), từ nhỏ chưa hề biết đến cuộc sống nơi rừng núi heo hút, nhưng khi vừa mới tốt nghiệp trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương I, tròn 20 tuổi, cô đã đem sức trẻ cống hiến cho Đà Bắc.

Không quản đường xa vất vả, với phương tiện chính là đôi chân, cô xuống từng thôn bản, củng cố, xây dựng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

“Được đến tận nơi, chứng kiến tận mắt cuộc sống của bà con các dân tộc, những thiệt thòi mà các cháu nhỏ nơi đây phải gánh chịu, tôi thấy mình như cũng có một phần trách nhiệm,” cô Thanh xúc động nói.

Trong khi những giáo viên miền núi phải lôi suối, băng rừng đến với học trò thì ở nhiều vùng khó khăn khác, những người thầy phải mải miết tay chèo, tới từng điểm trường nơi đảo lẻ hay những xóm thôn lẩn quất giữa những kênh rạch chằng chịt của đồng bằng Nam Bộ.

Với cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Dung, trường Tiểu học Thường Phước 1A (Hồng Ngự, Đồng Tháp), kỷ niệm với nghề là những ngày mưa gió, đi dạy học bằng ghe xuồng, bước lên bờ thì đường bùn lầy lội, trơn tuột, không ít lần té ngã.

Còn với cô Nguyễn Thanh Thêm (Hiệu trưởng trường Mẫu giáo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cứ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm lại phải cùng học trò đối diện với sự “quậy phá” của thủy triều. Nước dâng mang theo phù sa bùn đất với đủ loại rác trôi nổi, rắn nước và côn trùng.

Hy sinh hạnh phúc riêng


Để đưa con chữ đến với những học trò vùng khó, nhiều nữ giáo viên đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, và đôi khi, cả con cái họ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi ở nơi miền núi biên cương hay hải đảo.

Cô Dương Thị Mỹ Hằng, giáo viên trường Tiểu học Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, từ chỗ chỉ nghĩ ra đảo dạy 3 năm để thỏa trí tò mò khám phá vùng đất mới, cô đã ở lại Phú Quốc đến 23 năm.

“Người dân nơi đây, những học sinh nơi đây cần có người thầy dạy dỗ. Chính tình cảm của các em đã níu giữ tôi,” cô Hằng chia sẻ.

Giống như cô Hằng, cô Lê Thị Hồng, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với học sinh vùng khó.

Rời gia đình lên vùng cao dạy học khi mới 20 tuổi, nơi bạt ngàn cây cối núi non, lần đầu tiên đến lớp, cô phải đi bộ một ngày đường. “Nhìn phòng học làm bằng tranh tre nứa lá ọp ẹp, học sinh là con em người dân tộc thiểu số, áo quần rách rưới, người xanh xao, nhìn những khuôn mặt ngây ngô chưa biết nói tiếng Việt, tôi nghĩ không biết làm sao dạy cho các em biết đọc, biết viết được,” cô Hồng xúc động kể.

Nhưng bù đắp lại, người dân nơi đây rất thân thiện đón chào một cô giáo trẻ đến từ miền xuôi mang cái chữ cho bản làng, cô thêm nghị lực vượt lên thử thách.

Cô phải chịu những con sốt rét rừng hành hạ liên miên, căn nhà và lớp học không đảm bảo che mưa che nắng, những ngày mưa to rét lạnh không có củi đốt để nấu ăn, đêm sương buông dày đặc, bay vào tận giường buốt tái tê.

Thế nhưng, đêm đêm bên ánh đèn dầu, cô vẫn ngồi soạn bài, ngẩng lên nhìn đồng hồ đã 23 giờ, bên ngoài là bóng tối mịt mùng và văng vẳng tiếng kêu của thú rừng đi ăn đêm. Mỗi năm, cô chỉ được về thăm gia đình một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng cũng có năm vì bận lo cho học trò, vì đau ốm, cô lại phải bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.

Không chỉ hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe bản thân, con cô mới 7 tháng tuổi cũng phải theo mẹ lên miền biên viễn. Cô Hồng xúc động kể: “Trong điều kiện khó khăn, con tôi thường xuyên đau ốm. Lúc đó, tôi mới thấm thía những vất vả của một giáo viên vùng cao, những thiệt thòi mà trẻ em nơi đây phải chịu và tôi lại càng thấy thương các em hơn.”

Tình thương yêu lớn lao ấy đã tiếp sức cho cô Hồng cũng như hàng ngàn vạn thầy cô đang công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn của tổ quốc. Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, họ đã hy sinh thầm lặng, kiên trì và bền bỉ vì thế hệ trẻ, vì một tương lai đất nước đẹp hơn./.

Để ghi nhận những tấm lòng say nghề, yêu trẻ của các thầy cô, nhất là các nữ nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi Gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Buổi gặp mặt đầy xúc động này vừa diễn ra ngày 9/11/2012, tại Hà Nội, vinh danh 128 nhà giáo ưu tú.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có khoảng 800.000 nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có trên 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại gần 3.900 xã vùng cao, miền núi và hải đảo, là những địa bàn còn hết sức khó khăn của tổ quốc./.

(Phạm Mai/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất