Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một thời đại mới, đưa nhân dân lao động lên vị trí làm chủ xã hội. Cách mạng Tháng Mười mở đường và là tấm gương cho các dân tộc vùng lên giải phóng khỏi ách đô hộ, áp bức của chủ nghĩa tư bản, thực dân. Thực hiện lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa bắt đầu được triển khai ở nước Nga Xô-viết, khai mở sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới mẻ trong lịch sử loài người.
Thực tế và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội cho thấy, con đường đi tới CNXH phải trải qua nhiều quá trình cải biến cách mạng với nhiều bước đi và nhiều cách thức để phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
V.I. Lê-nin - lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười. Trong tư duy của Người về con đường xây dựng CNXH được thể hiện trong chính sách kinh tế mới và các chính sách về giáo dục, văn hóa, về công nghiệp hóa, điện khí hóa, v.v. cho thấy phải thường xuyên đổi mới nhận thức về CNXH và cách thức tiến hành công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới.
Chính sách kinh tế mới không chỉ là sự sáng tạo trên bình diện lý luận với con đường đi lên CNXH ở nước Nga Xô-viết mà còn gợi mở con đường và mô hình xây dựng CNXH ở các nước kinh tế còn lạc hậu, lực lượng sản xuất kém phát triển. Với các nước chậm phát triển không kinh qua chế độ tư bản, thực hiện bước quá độ lên CNXH, ý nghĩa của chính sách kinh tế mới là, không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn mà phải kiên nhẫn đi đường vòng, áp dụng những giải pháp quá độ thích hợp với trình độ của khối quần chúng tiểu nông, từng bước tổ chức các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và dịch vụ, tiêu thụ từ thấp lên cao, tuân theo quy luật kinh tế thị trường.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và yêu cầu xây dựng xã hội mới, lần đầu tiên trong lịch sử, Ðảng Cộng sản trở thành Ðảng cầm quyền. Trong Di chúc chính trị, Lê-nin đã đề cập vai trò Ðảng cầm quyền, quan hệ giữa đảng và Nhà nước, giữa đảng và nhân dân, đảng và xã hội.
Tư tưởng của Lê-nin về Ðảng cầm quyền nêu bật vấn đề xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, về đoàn kết của đảng chống chia rẽ bè phái và vai trò tiền phong về lý luận, hạt nhân lãnh đạo toàn dân, kiên quyết chống tệ quan liêu, tham ô, hối lộ.
Thực tế lịch sử cho thấy, vai trò và năng lực lãnh đạo của Ðảng cầm quyền là nhân tố quyết định bước đường phát triển cách mạng. Ðảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm thời đại mới, hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết toàn dân mới phát huy được sức mạnh của nhân dân.
Ðối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn cổ vũ lớn lao và động lực mạnh mẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học của Cách mạng Tháng Mười vào cách mạng Việt Nam, sáng lập Ðảng, xây dựng Ðảng ta vững mạnh, đưa cách mạng nước ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản.
Ði theo con đường Cách mạng Tháng Mười, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Từ Ðại hội 6 (1986), Ðảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ðường lối đổi mới của Ðảng đã vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nước ta những tư tưởng thiên tài của Mác, Lê-nin, Hồ Chí Minh. Ðặc biệt là đường lối kinh tế đã tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH.
Ðảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của thị trường và kinh tế thị trường. Khi chuyển sang kinh tế thị trường đòi hỏi phải đổi mới kế hoạch hóa, phát huy những mặt tích cực của cơ chế thị trường và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế đó. Chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường, từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường là bước đột phá quan trọng về tư duy và chính sách kinh tế. Thực tiễn công cuộc đổi mới đã khẳng định vai trò tích cực của cơ chế thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và cũng từ đó Ðảng và Nhà nước chủ trương không chỉ phát triển thị trường trong nước mà còn chú trọng thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, mở rộng ra thị trường ngoài nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO.
Qua hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, qua mỗi chặng đường, xuất phát từ chính thực tiễn nước ta, Ðảng và nhân dân ta kịp thời sơ kết, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, điều chỉnh bước đi phù hợp nhằm phát huy nội lực, tranh thủ sức mạnh bên ngoài, tiến từng bước vững chắc trên cơ sở giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã thu được những thành quả ngày càng to lớn, hội nhập và phát triển, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta lấy đổi mới kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, để xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đồng thời thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính sách của Ðảng và Nhà nước ta khuyến khích mọi người làm giàu theo luật pháp, làm sao cho đời sống nhân dân ngày càng khá giả, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Vấn đề hàng đầu của định hướng XHCN là thực hiện công bằng xã hội. Nước ta đã hạ tỷ lệ đói nghèo từ 58% (năm 1993) xuống còn 18% (năm 2006), phấn đấu đến năm 2010 xuống 10% và tiến tới không còn đói nghèo. Các chính sách xã hội khác về phúc lợi xã hội, về giáo dục - đào tạo, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, ưu đãi xã hội, v.v. đã và đang phấn đấu thực hiện tốt hơn. Ðiều đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian từ khi nền kinh tế gặp khó khăn, lạm phát tăng cao cùng với thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên đất nước ta. Xóa đói, giảm nghèo cùng phát triển kinh tế cũng vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của nhân dân, của mỗi con người.
Ði tiếp con đường của Cách mạng Tháng Mười - một cuộc cách mạng "mẫu mực tuyệt vời của đổi mới tư duy và sáng tạo" (*), kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo chính là sự nghiệp cách mạng sáng tạo của toàn Ðảng, toàn dân. Trong công cuộc đổi mới, vấn đề có ý nghĩa quyết định là giải phóng mọi tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Báo ND