Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 4/11/2008 11:40'(GMT+7)

Một mô hình làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW thăm nông trường cao su Cuôr Đăng

Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW thăm nông trường cao su Cuôr Đăng

Công ty Cao su Đắk Lắk thành lập Nông trường Cao su Cuôr Đăng trên địa bàn xã Ea Drơng ngày nay, với nhiệm vụ chính trị là phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp giữ vững an ninh quốc phòng. Ban đầu, nông trường được thành lập từ 2 hợp tác xã nông nghiệp là Ea Bir và Ea Mnang với tổng số hơn 270 hộ dân. Vào thời điểm đó, cuộc sống của đồng bào còn rất nghèo nàn, lạc hậu, chủ yếu dựa vào việc phá rừng làm rẫy. Tất cả chỉ có 15 ha lúa nước và vườn định cư mỗi hộ 2.500m2, phương tiện, máy móc phục vụ nông nghiệp thô sơ, thiếu ăn thường xuyên xảy ra hàng năm từ 3 đến 4 tháng.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Nông trường Cao su Cuôr Đăng đang quản lý tổng diện tích 1.245 ha cao su, trong đó quốc doanh 756 ha, cao su liên kết 489 ha, tổng diện tích cây lúa nước khoảng 79 ha và trên 300 ha cà phê. Tổng số cán bộ công nhân viên là 374 người, trong đó công nhân trực tiếp là 336 người. Có thể nói, Nông trường là một đơn vị mang tính đặc thù bởi vì 99% công nhân là đồng bào dân tộc tại chỗ, thuộc 3 buôn: Buôn Tah, Buôn Yông, Buôn Kroa A thuộc xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar (336 công nhân trực tiếp chỉ có 3 công nhân người Kinh) và tạo việc làm cho 105 hộ trồng cao su liên kết.

Hiện nay số cán bộ gián tiếp và cán bộ quản lý là người đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm 40%, với 2 Phó giám đốc Nông trường, 3 kỹ sư nông nghiệp, 1 bác sỹ, 4 trung cấp, ban chỉ huy các đội đều là người đồng bào tại thôn buôn.

Những năm qua, Nông trường liên tục hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh tế xã hội được Công ty và nhà nước giao. Mức độ hoàn thành năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng, sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng ổn định và nâng cao.

Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2008: sản lượng cao su khai thác là 941 tấn, đạt trên 51% kế hoạch cả năm, trong đó khối quốc doanh đạt 53.6% kế hoạch cả năm.

Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên trong đơn vị tiếp tục được giữ vững và ổn định. Thu nhập tiền lương bình quân năm 2007 với các hộ công nhân đạt 3.2 triệu đồng/người/năm. Ngoài thu nhập từ tiền lương, các hộ công nhân còn có nguồn thu nhập từ kinh tế vườn. Tổng thu nhập tính theo hộ trên năm từ 50 đến 60 triệu đồng. Nếu trước kia cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhà cửa còn tạm bợ, điện không có, cả 3 buôn chỉ có 1 máy phục vụ nông nghiệp thì đến nay 100% hộ có điện thắp sáng. Về nhà ở, có 132 nhà kiên cố, 236 nhà bán kiên cố. 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại như mô tô (372 chiếc, bình quân mỗi hộ có 1 chiếc).

Đồng chí Phùng Hữu Phú đi thăm
một gia đình công nhân nông trường Cuôr Đăng


Để đạt được kết quả như trên là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, đầy sáng tạo của lãnh đạo Công ty cao su Đắk Lắk và tập thể cán bộ, công nhân viên nông trường Cuôr Đăng suốt hơn 20 năm qua. Quá trình này đã để lại nhiều bài học về con đường phát triển bền vững của một nông trường ở vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, trong đó nổi bật là một số kinh nghiệm sau:

1. Biết tạo ra những mô hình sản xuất phù hợp với trình độ, năng lực, tập quán canh tác của đồng bào

Nông trường đã kết hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động xây dựng những mô hình sản xuất điểm giúp cho đồng bào thấy hiệu quả thiết thực của công tác định canh, định cư, từ đó nhân rộng và phát triển. Căn cứ vào đặc điểm dân cư, nông trường đã xây dựng 3 mô hình sản xuất để thu hút đồng bào tham gia:

Thứ nhất: mô hình cao su quốc doanh

Áp dụng đối với những hộ có lao động nhưng khả năng tổ chức sản xuất thấp. Với những hộ này, Nông trường đã đưa bà con vào làm công nhân nông trường với mức khoán ổn định và lâu dài vườn cây cao su cho hộ gia đình, bình quân 2,3 ha/hộ. Mô hình này, hộ gia đình công nhân thực sự gắn bó lâu dài với Nông trường, tận dụng được lao động trong gia đình để chăm sóc và khai thác vườn cây. Tất cả các chế độ, chính sách cho người lao động được Công ty đảm bảo.

Để bảo đảm cuộc sống lâu dài cho đồng bào, Nông trường phân cho mỗi hộ định cư 2.500m2, để làm nhà ở và vườn cây. Nông trường kết hợp cùng chính quyền địa phương vận động các gia đình trồng 100 gốc cà phê, 30 cọc tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để cải thiện đời sống. Những vùng đất ven suối, hồ, ao cũng được giao thêm cho các hộ để trồng cà phê với diện tích bình quân 0.5ha – 1ha/hộ.

Thứ hai: mô hình cao su liên kết

Đối với những hộ có đất sản xuất, lao động, có khả năng tổ chức sản xuất nhưng thiếu vốn thì Công ty đầu tư vốn, khoa học, kỹ thuật. Hiện nay, mô hình này phát triển với quy mô tổng diện tích 489ha cao su, với 105 hộ, diện tích bình quân cho mỗi hộ khoảng 3-5ha. Đặc biệt, từ năm 1997, nguồn vốn của nhà nước không còn nữa nhưng Công ty vẫn tiếp tục đầu tư. Đến nay, 100% diện tích đã đưa vào khai thác và có hiệu quả. Về vốn đầu tư, Công ty sẽ thu hồi qua 13 năm sau khi vườn cây đưa vào khai thác ổn định. Sản phẩm còn lại Công ty cam kết mua theo giá thị trường (với mức giá bảo hiểm từ 80% trở lên so với giá thị trường cao su Thái Lan tại từng thời điểm trong tháng). Giá cao su bình quân năm 2007 là 31 triệu đồng/tấn, 9 tháng đầu năm 2008 là 40 triệu đồng/tấn.

Thứ ba: đối với những hộ còn lại, Nông trường cùng với chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ trong công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cải tạo vườn tạp. Vì vậy, từ một địa phương đơn thuần trồng cây lương thực đến nay đồng bào đã trồng cà phê với diện tích 3 buôn là 983ha/866 hộ, bình quân 1,13ha/hộ, năng suất bình quân từ 2,5 đến 3 tấn/ha.

2. Làm tốt công tác chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào

Để bà con thực sự gắn bó với nông trường, ngoài việc tổ chức sản xuất hợp lý, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, Ban giám đốc nông trường rất quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho các thành viên. Nông trường đã xây dựng một trạm xá phục vụ khám chữa bệnh cho người lao động và nhân dân trên địa bàn, với một bác sỹ nữ là người đồng bào phụ trách và một y sỹ. Ngoài công tác khám chữa bệnh thường xuyên, hàng năm Nông trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả cán bộ, công nhân viên Nông trường.


Các phong trào thể thao, văn nghệ được duy trì thường xuyên. Hàng năm, tổ chức cho 100% công nhân lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được đi thăm quan trong nước, thời gian từ 5 đến 7 ngày. Đặc biệt, cán bộ công nhân viên đạt thành tích xuất sắc được Công ty cho đi tham quan Trung Quốc, Malaysia.

Đời sống văn hóa buôn làng từng bước được nâng lên, trên cơ sở phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Những tập tục như tảo hôn, ma chay, cưới hỏi lạc hậu dần được xóa bỏ. Tỉ lệ con em đến trường chiếm gần 100%, với 2.423 em ở các cấp. Đặc biệt, số em theo học ở cấp trung học phổ thông và trung học, đại học ngày càng nhiều.

3. Gắn kết chặt chẽ với địa phương

Để phát triển ổn định và bền vững thì sự gắn chặt với địa phương là một yếu tố quan trọng. Với phương châm Nông trường gắn với xã, các đội sản xuất gắn với buôn làng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Là một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, thông qua Nông trường, Công ty đã hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm xá…

Từ năm 2005 đến nay, Nông trường đã xây dựng 13 căn nhà tình thương, hỗ trợ 19 hộ công nhân sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Đặc biệt năm 2007 đã xây 5 căn nhà với tổng giá trị 75 triệu đồng, năm 2008 xây 1 căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn có 866 hộ với 5.369 nhân khẩu, trong đó có 104 hộ nghèo, chiếm 12%, chủ yếu tập trung các hộ đông con. Đối với các hộ công nhân của Nông trường, hiện tại không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo. Hộ khá và giàu hiện nay chiếm trên 30%, còn lại thuộc diện hộ có mức thu nhập trung bình.

Đối với những hộ nghèo trên địa bàn, Nông trường phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng mot số loại cây như tre lấy măng, cà phê năng suất cao… Tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà tình thương.

Với những kết quả trên, đến nay trên địa bàn Nông trường Cao su Cuôr Đăng đã xóa được sự chênh lệch và phân hóa giàu nghèo giữa đồng bằng và miền núi, giữa người Kinh và đồng bào dân tộc.

Những thành tựu đạt được về kinh tế không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào, mà đây còn là nền tảng vững chắc cho việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới đất nước. Chính vì thế, những năm qua, mặc dù Tây Nguyên có nhiều biến động ,nhưng địa bàn đơn vị đứng chân an ninh chính trị luôn ổn định và phát triển./.

Nguyễn Tiến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất