(TCTG)- Cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi đã mở ra thời đại mới cho nhân loại, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một Nhà nước và chế độ xã hội thực sự do giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động làm chủ bước vào quá trình xây dựng chế độ XHCN… Từ đó, nhân loại bước vào thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Đối với Việt Nam trong Đổi mới theo định hướng XHCN hiện nay, chúng ta cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về tính chất XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga và quan trọng hơn là trong Đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển nhận thức đó ra sao vào thực tiễn trong giai đoạn hiện nay… để đạt “những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”… mà tiếp tục phát huy trong những năm tới đạt những thành tựu to lớn và toàn diện hơn nữa.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta có thành tựu nổi bật trước tiên là đổi mới tư duy lý luận, từng bước “… xây dựng lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam”(1). Sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta căn cứ vào kết quả thực tế mà kết luận rằng: “Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn”(2).
Thực tiễn lịch sử của nhân loại, của Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn xây dựng chế độ XHCN sau nhiều thập kỷ ở các nước XHCN, trong đó có Việt Nam (cả thành tựu, sai sót lẫn khủng hoảng, đổ vỡ…) đã giúp chúng ta trong quá trình Đổi mới nhận thức đúng và đủ hơn về tính chất XHCN và về CNXH để vận dụng vào con đường đi lên CNXH của nước ta.
Có thể khái quát về sự thể hiện tính chất XHCN của Đổi mới qua mấy điểm sau đây:
Một là, xét về mặt sản xuất thì cách mạng Tháng Mười Nga và các nước XHCN thực chất là đã kế thừa, phát triển tính chất XHCN sơ khai trong hoạt động thực tiễn của nhân loại (sản xuất chung và cùng hưởng thành quả chung). Đó là bản chất của xã hội hoá sản xuất. Tính chất xã hội hoá sản xuất của nhân loại là quá trình liên tục tăng lên.
Khi chế độ tư hữu, áp bức bóc lột ra đời, quá trình xã hội hoá sản xuất vẫn tăng không ngừng, nhưng nhân dân lao động - lực lượng sản xuất cơ bản – chủ thể trực tiếp của quá trình xã hội hoá đã bị các giai cấp tư hữu, áp bức bóc lột kìm hãm và chiếm mất quyền dân chủ trong sản xuất.
Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) là cột mốc lịch sử lớn sau hàng ngàn năm (hơn 2.600 năm kể từ khi chế độ chiếm hữu nô lệ ra đời) đã trả lại cho nhân dân lao động với tư cách chủ thể đích thực của quá trình xã hội hoá sản xuất, trên cơ sở cao hơn. Đó là sự phủ định biện chứng của lịch sử. Vì thế Cách mạng Tháng Mười Nga thể hiện trên thực tiễn tính chất XHCN của thời đại mới ngày nay.
Vậy, CNXH xuất phát từ thực tiễn sản xuất xã hội hoá của nhân dân (chứ không phải xuất phát từ ước mơ, lý tưởng, học thuyết… nào). Trước đổi mới, khi giáo dục về CNXH, chúng ta thường cho rằng, CNXH xuất phát từ ước mơ lý tưởng cao đẹp… và thường chỉ đề cập đến học thuyết Mác-Lênin, do đó đã làm sai lệch nhận thức về CNXH - điều mà chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: CNXH không phải là lòng mong muốn của bất kỳ ai; không phải là những lý tưởng bắt thực tiễn khuôn theo, mà là “CNXH trần tục của quần chúng”(3), là phong trào thực tiễn của nhân dân. Và, CNXH “chủ nghĩa cộng sản không phải là một học thuyết mà là một cuộc vận động… từ những sự thật”(4). Cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga quả là phong trào thực tiễn của số đông, vì số đông nhân dân v.v…
Ngày nay, tất cả các nước đều nhận rõ xu hướng xã hội hoá nhiều mặt là tất yếu. Đó chính là xu hướng XHCN (chứ không thể là tư nhân hoá hay TBCN được!). Xu hướng xã hội hoá - CNXH – thì không thể sụp đổ (có quan điểm đã “quy” sự kiện sụp đổ Đông Âu và Liên Xô là “CNXH sụp đổ”!). Chỉ có những Đảng Cộng sản, những nước XHCN mắc sai lầm và bị phản bội, bị phá hoại đã sụp đổ và có thể sụp đổ.
Từ nhận thức mới, đầy đủ, đúng đắn đó, Đảng ta có bản lĩnh khoa học và chính trị vững vàng hơn trong thử thách lớn, ngay khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Đại hội VII của Đảng ta (1991) đã luận chứng rằng: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”(5). Xét dưới góc độ xã hội hoá ngày càng cao thì hiện nay nước ta đổi mới, “về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng XHCN”(6). Và, công cuộc Đổi mới đó là của toàn dân, do toàn dân và vì toàn dân (chứ không phải vì lợi nhuận ngày càng cao của một số ít người!).
Hai là, xét về chế độ dân chủ thì tính chất XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga thể hiện trên thực tiễn giành lại dân chủ – quyền lực thực sự của nhân dân.
Đến nay, trong Đổi mới, ta có thêm nhiều tư liệu “gốc” ở các nước TBCN có lịch sử lâu đời (như Ai Cập, Italia, Hy Lạp…) để hiểu về lịch sử thực tiễn và lý thuyết về dân chủ (điều mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã có đề cập về cơ bản nhưng trước khi đổi mới chúng ta chưa chú trọng hoặc nhận thức sai lệch đi). Sự thật lịch sử nhân loại cho thấy: khi chưa có lý tưởng, khái niệm, lý luận về dân chủ thì từ cổ đại, nhân loại đã có thực tiễn dân chủ trong xã hội nguyên thuỷ: nhân dân bầu ra người đứng đầu và giết bỏ họ khi không tín nhiệm để thay bằng người khác. Đó là sức lực và quyền của nhân dân – hiểu theo nghĩa đen. Sau này có tiếng Hy Lạp cổ mới dùng 2 từ “demos” (dân) và “kratos” (quyền lực) để phản ánh thực tiễn đó. Từ đấy có khái niệm “demos kratos” là “quyền lực của dân” (hay “dân chủ”). Đâu phải dân chủ chỉ có từ dân chủ tư sản? Đâu phải “dân chủ là quyền lực của dân” lại là lý thuyết suông hay là lời mị dân của ai đó?
Khi chế độ tư hữu, áp bức bóc lột ra đời, giai cấp chủ nô đã lợi dụng khái niệm đó, lập ra nhà nước dân chủ chủ nô (khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên) và chiếm “quyền lực của dân” thành quyền lực của giai cấp chủ nô mà vẫn dùng khái niệm “dân chủ” – quyền lực của dân – nhưng đã thu hẹp khái niệm “Dân”: chỉ còn giai cấp chủ nô, giáo hội, trí thức và một số người “tự do” (chưa đến 5% dân số) thì có “tham gia quyền lực”. Còn hơn 95% dân thật đã bị vùi xuống kiếp nô lệ – giai cấp nô lệ.
Qua khoảng 2.600 năm nhân dân mất quyền lực, đến tận cách mạng Tháng Mười Nga (và hệ thống XHCN ra đời) mới giành lại dân chủ – quyền lực thật sự của dân, trên cơ sở cao hơn. Đấy cũng là sự phủ định biện chứng của lịch sử.
Trong Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt chú ý vận dụng, phát huy tính chất dân chủ XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga và của CNXH hiện thực để “từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN… của dân, do dân, vì dân”(7). Đặc biệt là từ dân chủ trong Đảng và Nhà nước ta ở Trung ương cho đến thực hiện “quy chế dân chủ ở cơ sở” như là mục tiêu cuối cùng gắn trực tiếp đến quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi người dân…
Ba là, tính chất XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga được vận dụng, phát triển thể hiện qua hệ tư tưởng XHCN, lý tưởng XHCN trong giai đoạn hiện nay cũng là sự kế thừa và phát triển những giá trị tinh thần của nhân loại (ta chỉ uốn nắn những nhận thức lệch lạc khi coi CNXH xuất phát từ tư tưởng, lý tưởng XHCN mà thôi; vì đó là những cái thuộc phạm trù ý thức, không thể là cơ sở xuất phát của CNXH được). Khi tư tưởng, lý tưởng XHCN có cơ sở khoa học và thực tiễn, nó lại có tính “vượt trước” bởi vai trò là “ý thức xã hội” định hướng cho hành động thực tiễn đúng đắn. Vì vậy, trong Đổi mới, Đảng ta và các tổ chức chính trị-xã hội vẫn đặc biệt coi trọng nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi trọng giáo dục lý tưởng, ước mơ XHCN cho đảng viên và các thế hệ người Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10 (khoá IX) đã đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh giáo dục về CNXH. Đó là việc rất hệ trọng hiện nay. Chỉ có nhận thức đúng về CNXH theo tinh thần đổi mới có nguyên tắc mà Đảng ta lãnh đạo thì mới có lòng tin, lý tưởng thật sự bền vững đối với CNXH; mới giảm bớt các loại cơ hội chủ nghĩa, thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên… trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Bốn là, hiện nay tính chất XHCN của cách mạng Tháng Mười Nga được vận dụng đúng đắn còn là ở chỗ: từng bước hình thành trên thực tế một chế độ XHCN hiện thực, thể hiện ngày càng rõ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội v.v… Hệ thống các nước XHCN – thành quả tất yếu của cách mạng Tháng Mười Nga đã ra đời và phát triển, với những thành quả vĩ đại mà nhân loại tiến bộ đã ghi nhận. Trong Đổi mới, Đảng ta đã có bước phát triển và cụ thể hoá về “xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ. Có nền kinh tế phát triển cao… dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người được giải phóng… có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị hợp tác với tất cả các nước”(8).
Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trên cơ sở Cương lĩnh Đại hội VII mà bổ sung, phát triển và cụ thể hoá “Cương lĩnh xây dựng đất nước…” của Đại hội VII về “xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng”, với một số nội dung mới rất đúng đắn và quan trọng – “cập nhật” như: mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, như “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam”; như “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”(9).
Năm là, tính chất XHCN của cách mạng Tháng Mười và những thành tựu, những hạn chế trong quá trình các nước xây dựng CNXH hiện thực đã gợi mở cho loại hình “quá độ bỏ qua…CNTB” của những nước vốn là nông nghiệp lạc hậu, bị nô lệ, phụ thuộc chủ nghĩa đế quốc.
Trong Đổi mới, Đảng ta đã phát triển và cụ thể hoá hơn về con đường “quá độ bỏ qua CNTB” ở nước ta. Đảng ta nhận rõ: cải tạo XHCN là quá trình lâu dài, suốt thời kỳ quá độ với những bước đi và hình thức phù hợp, có hiệu quả, và “bỏ qua chế độ TBCN, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN…”(10). Điều quan trọng là quan điểm này đã được chúng ta triển khai trên thực tiễn đổi mới, đạt nhiều thành quả góp phần ổn định và phát triển đất nước ta tương đối nhanh, nâng vị thế của nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế.
Chỉ có theo định hướng đó mới tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… (chứ không phải là nhiều nước TBCN đã đạt mục tiêu đó như người ta tuyên truyền hoặc ngộ nhận).
Chúng ta sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả đổi mới, tiếp tục thể hiện tính chất XHCN ưu việt của chế độ ta theo mục tiêu, con đường của cách mạng Tháng Mười Nga. Rồi đây, thử thách còn nhiều, nếu xa rời tính chất, mục tiêu và con đường đó hoặc giáo điều, giản đơn, duy ý chí… đều sẽ chệch hướng XHCN và thất bại./.
PGS,TS. Nguyễn Đức Bách
——————
(1) ĐCSVN, Nghị quyết Trung ương lần thứ hai khoá VIII, Nxb CTQG, H, 1997, tr.56.
(2), (9) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.17, 68.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.2, tr.143.
(4) Sđd, t.4, tr.399.
(5), (7), (8) ĐCSVN, “Cương lĩnh xây dựng đất nước…”, Nxb ST, H, 1991, tr.8-9, 19, 8-9.
(6) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.13.
(10) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.84.