Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 4/11/2008 11:17'(GMT+7)

Hòa Bình sau 10 năm thực hiện công tác văn hóa-thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hoá Hoà Bình với sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá các dân tộc, đã để lại những giá trị to lớn không chỉ cho Việt Nam mà còn của cả thế giới. Các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mang đậm nét bản sắc văn hoá của các dân tộc, bản sắc văn hoá núi rừng Hoà Bình như: cơm lam, rượu cần, nhà sàn, vải thổ cẩm, kỹ thuật trồng lúa nước trên các chân ruộng bậc thang, ngôn ngữ, chữ viết, các áng mo mỡi, các làn điệu dân ca (ví đúm, thường rang, bọ mẹng), các nhạc cụ cồng chiêng, các điệu múa quạt và múa xoè, nhảy sạp, các phong tục, tập quán và lễ hội khác là sản phẩm trí tuệ được nhân dân các dân tộc Hoà bình đúc rút, sáng tạo trong lao động và được giữ gìn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị văn hoá đó tạo nên nền văn hoá Hoà Bình đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên nét đặc trưng văn hoá, cốt cách nhân dân các dân tộc thiểu số Hoà Bình.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của các dân tộc trong tỉnh được quan tâm. Từ năm 1998 đến nay, ngành văn hoá – thông tin của tỉnh đã nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hoá dân gian, những phong tục hay, những nét đẹp của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hoà Bình: “Nghề đan đăng khọ ở Mường Vang”, “Chiêng ngôi vàng ngôi bạc ở Mường Bi”, “Lễ cơm mới một phong tục đẹp của người Thái Mai Châu”, “Tìm hiểu quanh một lệ Mường ngày xưa”, “Xoè vàng một điệu múa quý của người Thái”, “Múa đâm đuống điệu múa gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt - Mường cổ”, “không gian văn hoá cồng chiêng của người Mường Hoà Bình”; đã bước đầu sưu tầm 130 địa chỉ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc trong tỉnh; 4.000 chiếc cồng chiêng còn được lưu giữ và bảo tồn; tổ chức sưu tầm và hoàn thành nghiệm thu 2 đề tài văn hoá về “Đám cưới cổ của người Thái Mai Châu”, “Tết nhảy của người Dao quần chẹt” và 2 lễ hội của dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn và Đà Bắc. Đặc biệt, tỉnh đã cho xuất bản cuốn “Từ điển Mường - Việt” của đồng tác giả Nguyễn Văn Khang – Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành và nghiên cứu, sưu tầm hệ thống tang ca 12 ngày đêm trong đám tang cổ của người Mường Bi (Tân Lạc) với một loạt lễ thức mo: mo kẹ, mo lạt ma, mo kiện, mo vườn hoa núi cối…. Tỉnh Hoà Bình đã hoàn thành các công trình nghiên cứu điển hình như: Đề tài “địa chí Hoà Bình”, “Ằng ệt luông” của người Thái huyện Mai Châu, “Nghệ thuật múa Mường”, “Trò chơi dân gian Mường”, “Nghệ thuật ẩm thực của người Mường” và đang tiếp tục thực hiện đề tài khoa học “sưu tầm lễ cưới dân tộc Mường Hoà Bình” tại huyện Tân Lạc. Đã tổ chức sưu tầm được 3.559 hiện vật cổ quý, nâng tổng số hiện vật của Bảo tàng Hoà Bình lên 10.051 hiện vật (năm 2006), trong đó có các hiện vật quý như 2 bộ xương Pongo ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; trống đồng Heger I tại huyện Lạc Thuỷ. Phối hợp với Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tổ chức sưu tầm âm nhạc dân gian các dân tộc Mường, Thái, Dao ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu và Lương Sơn.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa-thông tin cơ sở cũng được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2005 đến năm 2007, thông qua công tác tuyên truyền đã huy động đ­ược trên 23 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà văn hoá xóm, bản. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 7,4 tỷ đồng; ngân sách huyện và xã hỗ trợ gần 700 triệu đồng; nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quyên góp và ủng hộ trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiệt tình ủng hộ và hăng hái tham gia đóng góp tiền của, ngày công trị giá gần 15 tỷ đồng. Đến nay, tổng số nhà văn hoá đã xây dựng và được cải tạo là 569 nhà, nâng tổng số nhà văn hoá trong toàn tỉnh lên 800/ 2084 xóm, bản, đạt 38% kế hoạch. Toàn tỉnh Hoà Bình đã có 100% xã, ph­ường, thị trấn; 100% làng, xóm, bản, khu dân cư xây dựng đư­ợc hư­ơng ư­ớc, quy ước kết hợp tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và 1.309/ 2.015 làng, xóm, bản, khu dân cư­ trong toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn văn hoá. Từ năm 1998 đến nay, Hoà Bình tiếp tục củng cố duy trì hoạt động 11đội thông tin lưu động các huyện, thành phố và trên 554 đội ở cơ sở với 3.777 tuyên truyên viên và 1.212 tổ, đội văn nghệ với 13.230 diễn viên quân chúng. Để thực hiện tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có hiệu quả, tỉnh Hoà Bình đã duy trì hoạt động 172 điểm bưu điện văn hoá xã; 210/210 trung tâm học tập cộng đồng; cấp phát trang thiết bị, phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hoá cho 70 xã đặc biệt khó khăn; xây dựng 12 cửa hàng sách-ảnh và 14 đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá – thông tin ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn hoá – thông tin cũng được quan tâm đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2007, Ngành văn hoá đã phối hợp và tổ chức mở 5 lớp tập huấn nghiệp vụ văn hoá cho 220 học viên, trong đó 30 cán bộ nghiệp vụ văn thư lưu trữ các đơn vị; 77 chủ nhiệm nhà văn hoá thôn, bản; 43 học viên làm công tác quản lý di tích ở cơ sở; 33 cán bộ thư viện các huyện và 70 cán bộ văn hoá xã thuộc chương trình 135; mở 23 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 512 học viên là cán bộ văn hoá thông tin ở cơ sở. Đồng thời, sơ tuyển và giới thiệu 35 con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh dự thi tuyển vào các trường cao đẳng và đại học văn hoá ở trung ương.

Nhìn lại, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, công tác văn hoá – thông tin ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Đó là lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ trong thời kỳ mới nhất là cán bộ ở cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc còn gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí. Phong trào “xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” chất lượng chưa đồng đều, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Hệ thống nhà văn hoá xóm, bản được đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ và hiệu quả sử dụng không cao. Các hoạt động văn nghệ, thông tin cổ động, chiếu bóng lưu động đã được tăng cường tới các xã vùng sâu, vùng xa, song vẫn chưa thường xuyên, nên mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số giữa vùng sâu, vùng xa và khu trung tâm còn chênh lệch khá lớn. Một số công trình sưu tầm văn học dân gian có giá trị của các tác giả người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm thẩm định, hỗ trợ về kinh phí xuất bản. Thiết chế văn hoá, nhất là tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm đầu tư.

Để công tác văn hoá-thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục phát triển, cải thiện ngày càng tốt hơn mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào; các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ và phát triển phong trào văn hoá – thông tin cơ sở, đồng thời đẩy mạnh phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hoá nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng đến công tác xây dựng và đảm bảo chất lượng, phát triển phong trào văn hoá văn nghệ ở cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tăng cường thực hiện các đề án phát triển văn hoá thông tin cơ sở; đề án xây dựng nhà văn hoá xóm, bản và thực hiện các chương trình mục tiêu về văn hoá thông tin. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hoá cơ sở. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; bảo tồn các thôn, bản còn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống để phát triển du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra./.

Nguyễn Quang Hưng

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất