Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Ba, 13/4/2010 21:37'(GMT+7)

Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam” - Một niềm khát khao thống nhất nước nhà

Mừng ngày hội thống nhất non sông (Ảnh minh hoạ).

Mừng ngày hội thống nhất non sông (Ảnh minh hoạ).

Tôi được học bài thơ “Tiếng nói Việt Nam” trong chương trình văn học lớp 6 cũ (hệ 10 năm). Lúc ấy, bài thơ đã ít nhiều để lại ấn tượng trong tôi về niềm mong mỏi khát khao của người dân miền Nam hướng về những giờ phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam - tiếng nói cuả Đảng và Bác Hồ, thắp lên hy vọng về một ngày không xa, đất nước sẽ được thống nhất.

Xin ghi lại toàn bộ nội dung bài thơ:

Lời Tổ quốc êm êm như tiếng má
Bên vành nôi ru giấc ngủ con thơ
Tôi nghe giọng miền Nam thương mến lạ
Tha thiết như quen thuộc tự bao giờ!

“Đây, Tiếng nói Việt nam! Đây Hà Nội!...”
Xa muôn trùng , vẫn thầm thĩ bên tai
Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối
Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người.

Như vú mẹ không cạn nguồn sữa qúy
Như dòng sông vô tận chẳng ngừng trôi
Gói trọn tâm tình trên đôi cánh nhẹ
Làn sóng đi, mang nắng khắp phương trời!

Từng đoạn, từng lời, từng câu, từng chữ
Từng tiếng đọc sai, từng lỗi nhỏ thông thường
Sao vẫn ấm ngọt ngào như hơi thở
Đẹp như lòng chung thuỷ cuả người thương!

Tiếng chị phát thanh viên dịu dàng, trong sáng
Báo tin mừng: một nhà máy lắp xong
Tôi tưởng thấy ngày mai vui chiến thắng
Ống khói Hoà Bình vươn trên nước Cửu Long!

Ôi ! Những buổi quân thù về càn quét
quê hương ta -
Chị đang nói bỗng dừng
Chị đã đọc bản tin nhoà trong nước mắt
Hàng triệu người nghe chị cũng rưng rưng...

Xe tăng Mỹ nghiến trên đường phố
Và những lời ca cuồng loạn, dâm ô
Không ngăn được -Bàn tay nào ngăn nổi
Tiếng nói Đảng ta, tiếng nói Bác Hồ!

Khúc hát Điện Biên vẫn ấm từng khe cửa
Phá vành đai, xuyên giới tuyến, tháp canh!
Sài Gòn thức đêm đêm theo Hà Nội
Nghe tim Thủ đô đập giữa tim mình!

Bài thơ là lời tâm sự của người dân Nam Bộ, có thể là dân vùng tạm chiếm, trong ấp chiến lược, có thể trong rừng hoạt động bí mật, cũng có thể là người dân bình thường sống giữa Sài Gòn đô thị phồn hoa. Ngày ấy, ở miền Nam, nghe ra-đi-ô thu chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam thường phải nghe lén, mọi thông tin liên lạc với miền Bắc (kể cả thư từ) đều bị kiểm soát rất gắt gao. Mặc dù vậy, nhu cầu nghe đài Tiếng nói Việt Nam cuả nhân dân Miền Nam vẫn rất lớn. Bởi Tiếng nói Việt Nam chính là tiếng nói của Đảng, của Bác, cuả miền Bắc, thương mến dịu dàng. Có âm thanh nào êm dịu hơn tiếng mẹ thủ thỉ tâm tình? Vậy mà Tiếng nói Việt Nam được ví như tiếng mẹ “bên vành nôi ru giấc ngủ con thơ”. Tôi hình dung người nghe đang ở dưới hầm, dò tần số Đài TNVN, và khi bắt đầu nghe thấy những âm thanh quen thuộc “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” thì gần như reo lên vì đã nghe được tiếng nói của Miền Bắc thân yêu. Vâng, rất thân thương! Có thể người nghe ấy chưa được một lần ra Bắc, nhưng tiếng nói ấy hàng đêm vẫn thầm thì trong lòng như tiếng mẹ. Dù có xa muôn trùng về địa lý, vẫn bên ta, thủ thỉ tâm tình, bởi tiếng nói ấy đã :

Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối.
Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người”

Nhà thơ Tố Hữu vẫn nói “Miền Nam đi trước về sau”. Và Bác Hồ vẫn ngày đêm đau đáu “Miền Nam trong trái tim tôi”. Một ngày miền Nam chưa được giải phóng là một ngày Người ăn không ngon, ngủ không yên. “Đây là tiếng nói Việt Nam...”, những âm thanh ấy vốn rất quen thuộc với người dân miền Bắc chúng ta, thì nay lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết khi đến với người dân miền Nam. “Đây là tiếng nói Việt Nam...” để có được những lời khẳng định chủ quyền ấy chúng ta đã phải đổi bằng biết bao xương máu của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

“Đây là tiếng nói Việt Nam...” - lời khẳng định ấy đã là nguồn cổ vũ động viên lớn lao đối với nhân dân miền Nam đang trong máu lửa, đạn bom. Những lời động viên cổ vũ ấy đã vượt mọi trở ngại, rút ngắn mọi khoảng cách ngăn, thắp lên một niềm tin về ngày mai chiến thắng. Những tiếng nói ấm áp ấy tuy “xa muôn trùng” mà vẫn “thầm thì bên tai”. Nguồn động viên ấy thật quý như dòng sữa mẹ, nó nuôi dưỡng ý chí tự lực tự cường của nhân dân Nam Bộ, chẳng bao giờ cạn “như dòng sông vô tận, chẳng ngừng trôi”. Như Bác Hồ đã nói: “Miền Nam là máu cuả máu Việt nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, nuí có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Còn lúc ấy, ngưòi dân Nam Bộ đang sống trong sự kìm kẹp cuả địch, được nghe tiếng nói cuả Đảng mà thấy:

“Như vú mẹ không cạn nguồn sữa quý
Như dòng sông vô tận chẳng ngừng trôi”

“Đây là Tiếng nói Việt Nam...”. Vâng! Chỉ bấy nhiêu thôi mà cánh sóng đã mang đến những lời tâm tình thủ thỉ, gói trọn vào đó biết bao tình cảm niềm tin qua những tin tức, mang bao ấm áp như muà đông gặp nắng ấm, như bóng tối có ánh dương soi đường chiếu rọi. “Đây là Tiếng nói Việt Nam...” - Những lời ấy len lỏi đến mọi ngóc ngách tâm hồn, thức tỉnh những con người đang lầm đường lạc lối mà gọi họ trở về với đồng bào, động viên những tấm lòng gan dạ kiên trung “một tấc không đi, một ly không dời”, khơi lên niềm căm phẫn của người dân đối với quân thù và tinh thần quyết chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất nước nhà.

Người dân Nam Bộ lắng nghe tiếng nói của Đảng, của Bác như người con uống những giọt sữa mẹ ngọt ngào tinh tuý. Họ lắng nghe “từng đoạn, từng lời, từng câu, từng chữ” mà tự hào. Yêu đến cả “từng tiếng đọc sai, từng lỗi nhỏ thông thường” cuả người phát thanh viên. Lúc đó là những năm 70 của thế kỷ XX, Đài TNVN phải di chuyển đến nhiều địa điểm để bảo đảm bí mật, tuy vậy, vẫn phải đảm bảo thông tin thông suốt. Vì thế, bản tin cần được cập nhật nhanh nhất, và đôi khi người đọc do xúc động mà phát âm hơi nhầm (dĩ nhiên làm sao tránh khỏi), nhưng chỉ là những “lỗi nhỏ thông thường”. Những tiếng đọc sai, những lỗi thông thường ấy đã được thể tất, thậm chí ngưòi nghe còn coi là “đẹp như lòng chung thuỷ của ngưòi thương”. “Lòng chung thuỷ” đã khiến Tiếng nói Việt Nam luôn ở bên họ dù cho hiểm nguy gian khó, vẫn hướng về họ, hướng về miền Nam đang quằn quại rên xiết dưới gót giày xâm lược cuả ngoại bang.

Thật dịu dàng khi giọng miền Bắc cất lên, trong sáng, dõng dạc đọc bản tin: Những tin tức cuả miền Băc XHCN. Những tin tức của hậu phương đã dồn hết sức người sức của cho miền Nam để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những tin tức của công cuộc xây dựng CNXH: Một trường học mới xây, một cánh đồng 5 tấn. Và tin tức của những phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “chiếc gậy Trường Sơn”, của “Gió Đại phong”, “Tiếng trống Bắc Lý”. Những tin tức thông báo cho miền Nam ruột thịt biết rằng “một nhà máy đã lắp xong”. Người dân Miền Nam tin tưởng phấn khởi mơ về một ngày mai không xa, đất nước thống nhất để đuợc thấy “ống khói Hoà Bình vươn trên nước Cửu Long”.

Càng xúc động, càng thấy Đảng và Bác cùng nhân dân miền Bắc luôn theo sát bước đi của cuộc kháng chiến, luôn chia sẻ những mất mát đau thương mà nhân dân miền Nam đang hàng ngày hàng giờ phải chịu. Thật xúc động và phẫn nộ khi phải nghe một tin đau lòng về một trận càn, những người dân vô tội lại bị thiệt mạng, Những Sơn Mỹ, Phú Lợi đã được Đài TNVN đưa tin rất cập nhật, qua giọng đọc xúc động cuả phát thanh viên “nhoà trong nước mắt” khiến “hàng triệu người nghe chị cũng rưng rưng”.

Giặc Mỹ chiếm miền Nam, chúng đem theo vũ khí hiện đại và cả những văn hoá đồi truỵ, “những lời ca cuồng loạn, dâm ô”, những phòng trà quán ba đầy rẫy tệ nạn xã hội, những xe tăng súng ống ngày đêm tuần tra bắt bớ, vẫn không ngăn được tiếng nói của Đảng đến với lòng dân miền Nam. Bởi miền Nam có những người con gan dạ kiên trung.

Miền Nam tự hào rằng “Ảnh Cụ tuy không treo, hình Cụ đâu cũng có” vì hình ảnh Bác Hồ luôn ngự trị trong trái tim mỗi người Việt Nam, và Tiếng nói Việt nam, làn sóng phát thanh cuả Đài TNVN vẫn “ấm từng khe cửa, phá vành đai, xuyên giới tuyến tháp canh”. Dù ở trong hoàn cảnh nào, khi nhân dân Nam Bộ nghe được âm thanh “Đây là tiếng nói Việt Nam...” cùng nhạc hiệu của bài “Giải phóng Điện Biên” là đã như nhận được lời động viên, sự tiếp sức. Sự tiếp sức ấy làm hồi sinh những cánh rừng bị tàn phá của bom Mỹ, làm lành những vết thương trên da thịt đã chịu nhiều đòn roi ta tấn của kẻ thù và là động lực để tiếp sức cho nhân dân Miền Nam đi đến thắng lợi.

“xe tăng Mỹ nghiến trên đường phố” thì vẫn không ngăn được lòng dân miền Nam hướng về Tiếng nói Việt Nam. Và đêm đêm, ngay giữa lòng địch, cứ đến một giờ nhất định, với những chiếc đài bán dẫn chạy pin, người ta xúm quanh nghe những tin tức chiến thắng khắp nơi để mừng vui, nghe những tin tức đau thương mà nhân dân ta đang gánh chịu mà căm giận, và nhận được sự động viên từ những phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” từ miền Bắc XHCN, và như thấy “tim Thủ đô đập giữa tim mình”, khát khao một ngày thống nhất không xa, Bắc Nam liền một dải.

Tiếng nói Việt Nam là bài thơ thể hiện khát khao mong mọi cuả người dân miền Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung về một ngày thống nhất đoàn tụ. Cùng với những bài hát, thước phim, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, bài thơ Tiếng nói Việt Nam đã góp phần mang ngày vui thống nhất ấy đến sớm, bởi đã thắp lên niềm tin của người dân: Tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tin vào một ngày không xa sẽ cùng chung hát khúc khải hoàn - bài ca thống nhất.

Tiếc rằng, bài thơ ấy đến bây giờ không được đưa vào chương trình văn học chính khoá trong trường phổ thông, nhưng đến nay và mãi về sau, bài thơ vẫn còn nguyên giá trị. Và Tiếng nói Việt Nam - tiếng nói của Đảng và Bác Hồ vẫn mãi thắp lên niềm tin vào công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giúp chúng ta sớm đến đích xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ hằng mong ước./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất