Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 3/3/2010 5:29'(GMT+7)

"Leng keng tàu điện"

Gần như trọn thế kỷ 20, tàu điện gắn với những ngả đường, những con người Hà Nội, cùng chứng kiến bao biến động lịch sử và cùng chia sẻ số phận với những đời người.

Điều này một phần nào đã cắt nghĩa vì sao, giờ đây với bao nhiêu phương tiện giao thông hiện đại hơn, nhưng trong hồi ức về tàu điện vẫn không sao quên được…

Có thể nói, tàu điện được coi như một thứ “đặc sản” một của Hà Nội một thời.

Từ xuất phát ấy, quý 1 năm 2010, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản tác phẩm Leng keng tàu điện. Đây là một trong số những tác phẩm được ấn hành đúng vào năm Thăng Long – Hà Nội một nghìn năm tuổi.

Leng keng tàu điện là một tập hợp 14 truyện, ký của 14 tác giả, trong đó có nhiều tên tuổi như Tô Hoài, Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Trung Trung Đỉnh, Văn Chinh…

Đây là kỷ niệm về tàu điện trong ký ức của Tô Hoài thời Pháp thuộc: “Trẻ con thời ấy thèm đi tàu điện lạ lùng. Đứa nào được đi một chuyến tàu điện về, kể mấy ngày không cạn chuyện. Tôi đứng đợi tàu điện bên cạnh đường cái…Chẳng bao lâu tàu điện đã tới. Từ đằng xa, nghe tiếng quẹt quẹt trên lằn dây điện. Bánh tàu nghiến ken két, lượn nghiêng vào bến, rít u u váng lên. Đôi khi tàu điện lại kéo thêm chiếc toa đằng sau. Cái tàu cái toa cùng sơn màu vàng thẫm, nối đuôi nhau chạy như thể bò con đuôi bò mẹ đòi bú…”

Đây là kỷ niệm về tàu điện trong ký ức của nhà thơ Vũ Quần Phương vào những năm thủ đô mới giải phóng, hòa bình mới lập lại: “Ngày ấy, học sinh trung học đi cắm trại ở Voi Phục, ở chùa Láng…đã coi là dã ngoại nông thôn”. Và nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ một chuyện về hát xẩm trên tàu điện: “Những bài xẩm quen thuộc Tiễn chân anh Khóa xuống tàu, Hà Nội băm sáu phố phường… khách nghe quen có người đã thuộc, đôi khi có bài xẩm mới, không biết ai đặt ra, kể những chuyện vừa xảy ra ở thành phố như chuyện cô dâu nghẹn thịt bò hôm cưới, cô nhà giàu tự tử ở hồ Tây…Điệu xẩm thảm thương, buồn, bài nào cũng là thân phận con người sa cơ lỡ bước. Người hát, có khi là cả một gia đình chồng vợ và con, giọng kim giọng thổ lẫn giọng non chưa vỡ tiếng quyện nhau chới với. Điệu hát như tiếng thở dài của thành phố, lâm li thân phận toa tàu đang huyên náo bỗng lặng đi, cám cảnh. Cái chậu thu nhỏ cóc cáy, méo mó chìa trên tay đứa trẻ, hành khách lặng lẽ đưa vào những đồng hào nhỏ. Khách xe điện thường nghèo, cái cách cho tiền có một vị chia sẻ của người đồng cảnh, không giống với cách thưởng tiền của quan viên nghe ca trù hay chơi tam cúc điếm, hào sảng, hả hê. Sau này lớn lên, xem lắm thứ biểu diễn, tôi chưa thấy sân khấu nào có được sự đồng cảm diễn viên – khán giả cao quý như giữa những người áo ngắn ấy với nhau. Tàu điện ngày nay không còn nữa, nhưng xẩm tàu điện đã thành tên một thể loại trong thư mục của nhà sưu tầm và phục hồi xẩm, nhạc sĩ Thao Giang.”

Đây là kỷ niệm về tàu điện những năm 60, 70 của thế kỷ trước của một tác giả khác: “Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những cái tên: Cửa Nam, Thống Nhất, Bờ Hồ, Tháp Rùa, Bách hóa Tổng hợp, hiệu ảnh Quốc tế, Hàng Cót, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng…Tôi nhớ chúng tôi đã lên lên xuống xuống, đổi tàu, lên tàu, cập bến không biết bao nhiêu lần. Tôi nhớ cả những tấm vé đi tàu điện mỏng mảnh, sơ sài và chỉ lớn hơn ngón tay người lớn một chút.”./.


Leng keng tàu điện đã nhận được sự quan tâm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ở ngay những trang đầu có thủ bút của ông Phạm Quang Nghị:

“Tàu điện Hà Nội là phương tiện giao thông hết sức thân quen một thời của người Hà Nội.

Tàu điện Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và trở thành một trong những trang lưu niệm sâu sắc và nên thơ với biết bao người.

“Leng keng tàu điện” chính là cách người Hà Nội, các nhà thơ, nhà văn Hà Nội nói về kẻ niệm đáng yêu ấy thao cách của mình - rất riêng và rất Hà Nội, lại đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.”

(Theo: Hoàng Xuân/HNM)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất