Thứ Ba, 24/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 15/7/2010 15:32'(GMT+7)

Ban hành Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa phát biểu tại Lễ công bố

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa phát biểu tại Lễ công bố

Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (COC-VN) vừa được Cục quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) tổ chức công bố ban hành sáng15/7.

Ông Nguyễn Lương Trào, chuyên gia tư vấn, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết: Bộ quy chế này sẽ được xem như là một dạng ISO của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa góp phần bảo vệ người lao động vừa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc áp dụng Bộ quy tắc này vào thực tế sẽ được các doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào sự nghiệp tạo mở việc làm ngoài nước cho người lao động Việt Nam, Bộ quy tắc cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện quản lý “mềm” bằng cách coi việc đăng ký, thực hiện tốt bộ quy tắc này là một tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá và giới thiệu doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước.

Bà Rie Vejs Kjeldgaard – Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh: COC-VN không chỉ đưa ra nguyên tắc cho các doanh nghiệp mà còn định hình các nguyên tắc mới để quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nó sẽ có đóng góp lớn về mặt quản lý, đưa ra nguyên tắc tự kiểm soát cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trước, trong và sau quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để quá trình này vận hành hiệu quả hơn. Những nguyên tắc cơ bản này đựa trên luật pháp quốc gia, các khuyến nghị, quy tắc trong cộng đồng quốc tế và thực tế của lao động xuất khẩu Việt Nam, sẽ giúp phòng chống tệ nạn lao động cưỡng bức, buôn bán người, đặc biệt đối với lực lượng dễ bị tổn thương như lao động nữ.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh: Việc thực hiện Bộ quy tắc bằng cơ chế tự nguyện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cùng hướng tới việc nâng cao uy tín, phát triển bền vững, tuân thủ luật pháp quốc gia và các quy ước quốc tế. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và xem đây là tiêu thức để lực chọn các doanh nghiệp tham gia các chương trình mới của mình.

Là một doanh nhân xung phong đăng ký cam kết thực hiện Bộ quy tắc ngay trong Lễ công bố, ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc công ty LOD bày tỏ sự vui mừng với sự ra đời của Bộ quy tắc. Theo ông, COC-VN hết sức cần thiết trong việc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu hiện nay về cung ứng nguồn lực lao động cho các thị trường lao động nước ngoài. Bộ quy tắc cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, phục vụ người lao động được tốt nhất. Đặc biệt, ông cũng rất “tâm đắc” với điều khoản về quan hệ giữa các đối tác và ứng xử giữa các doanh nghiệp, đồng nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực này – lĩnh vực thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, nếu nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt các điều khoản này sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, tạo nên sức mạnh lớn hơn, cung ứng nguồn lực tốt cho thị trường quốc tế và bảo đảm quyền lợi người lao động.

Nguyên tắc hoạt động mà Bộ quy tắc đề ra gồm 12 điều: Tuân thủ các quy định của luật pháp; Tiêu chuẩn kinh doanh; Quảng cáo công việc; Tuyển chọn; Đào tạo; Tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; Bảo vệ người lao động ở nước ngoài; Ký kết các hợp đồng; về nước và tái hòa nhập; Tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp; Xây dựng quan hệ đối tác; Xây dựng quan hệ đồng nghiệp giữa các doanh nghiệp.

Bộ quy tắc này được thực hiện bởi Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam với sự hợp tác, hỗ trợ của ILO và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, xây dựng uy tín, thương hiệu ngày càng cao cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động cung ứng lao động cho nước ngoài. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện chủ động thực hiện tốt hơn luật pháp quốc gia, các tiêu chuẩn lao động quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương mở rộng và nâng cao chất lượng việc làm ngoài nước cho người lao động của Nhà nước ta.

Dương Ngọc

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất