Thứ Ba, 24/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 13/7/2010 21:21'(GMT+7)

Không có tiêu chuẩn luật pháp quốc tế nào trực tiếp áp dụng cho các quốc gia - dân tộc

Sau sự kiện Liên Xô tan rã, các nhà nước XHCN Đông Âu sụp đổ (1989 – 1991), R. Ních-xơn đã rút ra kết luận rằng Hoa Kỳ có thể giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh” nếu biết sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình”, dùng dân chủ, nhân quyền làm vũ khí. Trên lĩnh vực chính trị - chiến lược mà người ta đã và đang xúc tiến, đó là tham vọng thay đổi thể chế chính trị - xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên lĩnh vực pháp lý, đó là du nhập các “chuẩn mực” của phương Tây, như đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, chống cộng trong nước trỗi dậy, các thế lực phản động ngoài nước “hồi hương”, từng bước đi tới xóa bỏ chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thủ đoạn chính trị - tư tưởng chủ yếu mà người ta thực hiện là tuyên truyền các giá trị dân chủ, nhân quyền cực đoan của phương Tây mà tổ chức Ân xá quốc tế nâng lên thành “tiêu chuẩn quốc tế”. Ví dụ, người ta đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, quy định về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo họ, quy định này trái với “nguyên tắc” dân chủ - “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Hoặc người ta đòi hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà có người còn gọi là Điều “hai cái còng”, quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, vì điều này "hạn chế quyền tự do ngôn luận” của người dân.

Cho đến nay các văn kiện quốc tế cơ bản, quan trọng nhất như Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người hoặc các văn kiện của các hội nghị nhân quyền quốc tế… chỉ là những văn kiện chính trị không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, còn các công ước quốc tế chỉ đưa ra những quy định chung, đó không phải là những quy định pháp luật có thể trực tiếp áp dụng cho các quốc gia - dân tộc. Đơn giản vì thế giới không phải một quốc gia, Liên hợp quốc không là chính phủ trung ương, các quốc gia không phải là chính quyền địa phương. Trên lĩnh vực pháp lý cũng như các lĩnh vực khác, quan hệ giữa Liên hợp quốc với quốc gia là quan hệ song phương. Luật quốc tế, trên thực tế chỉ là các hiệp ước giữa các quốc gia, nó chỉ phát sinh hiệu lực pháp lý khi quốc gia nào đó gia nhập, ký kết, phê chuẩn công ước. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nguyên tắc tối thượng, bao quát các quan hệ quốc tế trong đó có cả quan hệ pháp lý. Văn kiện “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” năm 1970 nhấn mạnh: Sự tuân thủ chặt chẽ của các quốc gia đối với trách nhiệm không can thiệp vào công việc của bất kỳ quốc gia nào là một điều kiện cơ bản đảm bảo rằng các quốc gia chung sống trong hòa bình... bất kỳ hình thức can thiệp nào nếu không chỉ vi phạm tinh thần và nội dung của Hiến chương mà còn dẫn đến những tình huống đe dọa hoà bình và an ninh quốc tế... Các quy định trong Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm cả Điều 88 là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Các quan chức của tổ chức Ân xá quốc tế đã vì những lý do khác nhau cố tình lờ đi nhiều quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966.

Điều 1. Công ước quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết...” bao gồm quyền “Quyết định thể chế chính trị...”. Điều đó có nghĩa, một quốc gia – dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào, hệ thống chính trị đa đảng hay “độc” đảng, xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ con người và chế độ xã hội ra sao... là thẩm quyền của mỗi quốc gia - dân tộc, mà cụ thể là thẩm quyền của cơ quan luật pháp. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội, bao gồm các hành vi vi phạm các quyền và tự do của con người và chế độ xã hội. Đặt vào bối cảnh quốc tế và quốc gia sau khi Liên Xô tan rã, chế độ chính trị Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy tới chiến lược "diễn biến hòa bình", xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bạo loạn lật đổ, Việt Nam không thể không phòng ngừa các hành vi chống Nhà nước bằng “phương pháp bất bạo động”, như thành lập các tổ chức chính trị phi pháp (Điều 79), Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XNCN Việt Nam...

Phải chăng tổ chức Ân xá quốc tế khi chỉ trích Bộ luật Hình sự Việt Nam “không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế” hàm ý nói tới “Quyền tự do ngôn luận”; “Quyền tự do lập hội, hội họp...” được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966? – Đúng như vậy, có điều, tổ chức này đã cố tình lờ đi những quyền nói trên không phải là quyền tuyệt đối mà là những quyền bị hạn chế được ghi ngay trong công ước. Cụ thể hơn, đó là đối với những quyền trên, các quốc gia có quyền đưa ra các quy định hạn chế nếu đó là cần thiết vì “an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức công chúng, hoặc vì các quyền và tự do của người khác”.

Trường hợp Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long... bị bắt, tòa án xét xử và kết tội và hoàn toàn thích đáng, có căn cứ xác thực về hành vi vi phạm pháp luật cho dù họ có cố tình lẩn tránh pháp luật bằng thủ đoạn “bất bạo động”.

Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo, khoan dung. Các quyền con người của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người bị nhiễm HIV… được pháp luật bảo vệ, được Nhà nước giúp đỡ… Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam sẽ không bao giờ để cho các “MC” kiểu như tổ chức Ân xá quốc tế dẫn dắt theo cái gọi là “tiêu chuẩn quốc tế” của phương Tây mà hy sinh lợi ích cao nhất của một dân tộc, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội vì đó là tiền đề và điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người./.

(Theo: Chí Linh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất