Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 31/10/2008 21:27'(GMT+7)

Bán một giá, mua lại bằng mọi giá!

Thực hiện chỉ đạo của  UBND tỉnh Khánh Hoà, ngày 23.10.2008, đại diện các phòng ban thuộc thành phố Nha Trang cùng Sở VH, TT&DL đã tổ chức vào tận chùa Linh Phú “chuộc” lại toàn bộ bộ “cốt” Văn chỉ mang về lại Nha Trang tối ngày 25.10.2008.

Một tiền gà, ba tiền thóc

Đúng 23 giờ ngày 25.10.2008, khi chuyến xe cuối cùng chở  bộ cốt Vĩnh Xương Văn chỉ về đến dãy nhà chờ phía sau di tích Tháp Bà, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Ngọc Anh Quân - Chủ tịch UBND phường Phương Sơn, người từng ký đơn đề nghị bán Văn chỉ. Không còn tránh né như những ngày đầu, ông Quân cởi mở ngay: “May quá, tuy thương thảo về giá không thành, nhưng  cuối cùng cũng mua lại được Văn chỉ. Bây giờ thì yên tâm là Văn chỉ đã về đến “nhà” an toàn”. Là người tham gia “đoàn” phía Nha Trang vào tận Xuân Lộc (Đồng Nai) mua lại Văn chỉ, ông Quân cho biết: Tuy đã có công văn gửi các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai nhờ “hỗ trợ” để có thể mua lại Văn chỉ với giá hợp tình, hợp lý... nhưng khi lên xe, đoàn công tác gồm đại diện các ban ngành của tỉnh và thành phố Nha Trang đã chủ động mang theo 220 triệu tiền mặt, ứng với cái giá chót mà phía chùa Linh Phú từng đưa ra trong bản ghi nhớ thoả thuận trước đó.

Quả không ngoài dự kiến, cho dù đại diện chính quyền địa phương  và cả đại diện Giáo hội Phật giáo Đồng Nai “nói thêm”, nhưng cuộc thương thuyết chỉ gói gọn một câu: Giá 220 triệu đã được thoả thuận trong bản ghi nhớ, không bàn lại nữa, nếu đồng ý thì cứ vậy mà làm. 

Đã trong thế cùng cực phải mua  lại bằng được cái vô giá bằng cái giá được phát lên một cách sắc lạnh, miễn sao đưa được “cái vô giá” hồi hương về lại Nha Trang, trước sự chứng kiến của đại diện địa phương huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, “phía phải mua” đã chồng đủ 220 triệu “tiền tươi” để được quyền nhận  lại bộ cốt di tích Vĩnh Xương Văn chỉ được bán trước đó với giá 23 triệu đồng!

Chưa hết chuyện “một tiền gà, ba tiền thóc”, bên “phải mua” còn phải bấm bụng chi thêm 12 triệu tiền  để thuê bốc, vận chuyển về Nha Trang ngay trong ngày. Và như đã nói trên, đoàn xe tải 3 chiếc  với số “hàng” đặc biệt được đoàn công tác  hộ tống kỹ càng trong suốt hành trình  đã về đến  Nha Trang, và cho dù đã khuya, ông Chủ tịch phường Nguyễn Ngọc Anh Quân vẫn kiên quyết “điều” nhân viên bốc vác của phường mình lên chuyển từng món trong bộ cốt Văn chỉ vào vị trí bảo quản chờ ngày... phục hồi!

Gần 8.000 viên gạch ống suýt thành gạch vụn

Bao giờ Vĩnh Xương Văn chỉ được phục hồi?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Bài, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Khánh Hoà khẳng định: Ngay sau khi thành phố Nha Trang bàn giao toàn bộ khung, cốt Văn chỉ, Sở VH, TT&DL sẽ tổ chức lập dự án theo hướng phục dựng, trùng tu và tôn tạo di tích. Và để dự án được thực hiện thuận lợi, Sở sẽ cùng lúc lập dự án, đề nghị UBND tỉnh xem xét ra văn bản công nhận Vĩnh Xương Văn chỉ là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Được hỏi về định hướng cho dự án phục hồi Vĩnh Xương Văn chỉ, ông Nguyễn Hữu Bài cho biết, hiện chưa có thể khẳng định được số chi phí cuối cùng, nhưng chắc chắn đó là sốt tiền tỷ! Tuy nhiên, để giữ lại được một di tích  quý có hơn 159 “tuổi” cùng những vật dụng chạm khắc mang đậm bản sắc kiến trúc gắn liền với không gian biển đặc biệt có giá trị như ở Vĩnh Xương Văn chỉ thì không thể đo được bằng bất cứ một đại lượng cụ thể nào. Chỉ riêng việc phục hồi theo hướng bảo tồn mảng tường bao khuôn viên nhà thờ chính của  Văn chỉ được xây bằng vật liệu cổ là gạch ghè ống  của người Việt cổ sản xuất, cũng sẽ tiêu tốn không ít kinh phí. Đặc biệt do quá trình đập phá , vận chuyển mua đi bán lại, số gạch ghè ống kể trên hiện chỉ còn khoảng 8.000 “viên”, do đó rất có thể phải tính đến phương án tổ chức “phục dựng” ngay tại làng nghề gốm ở địa phương cả một cơ sở  sản xuất loại gạch này cung cấp cho dự án Phục hồi, trùng tu tôn tạo Văn chỉ. 

Cũng không riêng chuyện chi phí “đội” lên từ các hình thức xây dựng đặc thù  dành cho di tích Vĩnh Xương Văn chỉ! Ngay cả việc lắp ráp lại bộ khung gỗ miếu Văn chỉ... số tiền chi phí cho chuyện “tháo ra, rồi lại lắp vào”  cũng tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ như lời ông Nguyễn Ngọc Anh Quân bức xúc: "Hồi bên trúng thầu mua Văn chỉ, người nhận dỡ  khung nhà Văn chỉ với giá 20 triệu đồng, bây giờ cũng chính người đó đặt giá  30 triệu đồng  cho việc “ráp lại” cái mà  ông ta  tháo ra! Nghĩ mà ân hận, hồi đó nếu biết “nó” vô giá như vậy, tụi tôi đâu có bán đi để rồi khổ công, tốn tiền làm lại với cái giá  không lường hết được vầy".

Vâng, đã muộn, và quá muộn để nhận được bài học. Nhưng dù sao thà muộn còn hơn không!

Theo Văn hóa online

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất