Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 13/11/2018 9:39'(GMT+7)

Bản sắc văn hóa của làng mới

Đường làng Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Đường làng Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

HẠN CHẾ TẬP TỤC GÂY TỐN KÉM

Trời Tây Nguyên xanh thẳm. Xa khuất tầm mắt là những cánh rừng cao su. Nắng chói mái tôn. Dưới bóng mát của cây xoài cổ thụ bên hiên ngôi nhà sàn, già làng A Bờ Long ở làng Le, xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) rì rầm kể cho chúng tôi nghe sử thi “Nàng Ngà voi”-câu chuyện cổ xưa của người Rơ Măm. Sử thi dài như con suối, hùng vĩ như đại ngàn. Người Rơ Măm trong sử thi ấy luôn cô đơn, sợ hãi những thế lực siêu nhiên; sống phụ thuộc vào Giàng. Sử thi này phần nào nói lên tâm hồn của người Rơ Măm thuở trước. Mong muốn làm vui lòng Giàng, người Rơ Măm có lễ hội đâm trâu. Lễ hội này có trong mọi sự kiện của gia đình, cộng đồng.

Xã Mô Rai là nơi tập trung chủ yếu người Rơ Măm sinh sống, cho đến nay vẫn bị coi là “điểm nóng” của Lễ hội đâm trâu. Dù rất tôn trọng tập tục của bà con nhưng sự thái quá của lễ hội đã trở thành vấn nạn. Từ những hoạt động lễ, tết mang tính cộng đồng, như: Mừng lúa mới, cơm mới, gặt hái... cho đến cả những hoạt động mang tính cá nhân, hộ gia đình, như: Bắt vạ, cất nóc, xây nhà, ốm dậy… tất cả đều đâm trâu. Chuyện vợ đánh ghen bắt vạ chồng bằng một Lễ đâm trâu mời cả họ đến ăn uống, chứng kiến; phạt vạ xong hai vợ chồng lại nai lưng làm trả nợ là điều thường thấy.

THIẾT CHẾ VĂN HÓA, NHÂN TỐ TÍCH CỰC CỦA ĐỜI SỐNG MỚI

Đồn Biên phòng Ia Lân đóng quân trên địa bàn xã Mô Rai. Đồn đã kết hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền rất nhiều năm, cho đến gần đây tình trạng tổ chức đâm trâu mới tạm giảm. Già làng A Bờ Long vốn là một giáo chức nghỉ hưu nên có những lý giải nhất định về tập tục này. Theo đó, có thể do thời xưa cuộc sống của người dân rất khó khăn nên đâm trâu là một cách cải thiện bữa ăn cho cộng đồng. Tuy nhiên, già làng cũng cho rằng hiện nay đời sống đã thay đổi, cái ăn đã đủ chất dinh dưỡng, mà đời sống vật chất của người dân cũng khá hơn, nên việc quá sa đà vào Lễ đâm trâu trở thành hủ tục.

Cũng nằm trên dải đất biên cương này, cách làng Le chừng 100km là làng Đăk Mế của người DTTS B’râu, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Làng Đăk Mế hiện chỉ duy trì Lễ đâm trâu vào hai dịp lễ hội của cộng đồng: Lễ mừng lúa mới và Lễ dựng nhà mới. Người B’râu trước đây có tục lệ tang ma khá tốn kém, từ việc nghi lễ dài ngày cho tới việc chia đồ cho người chết, đến nay, những tập tục này dần đi vào dĩ vãng. Tục chôn quan tài lộ thiên cũng không còn nữa. Nghĩa trang đã được quy hoạch xa khu dân cư.

Làng Đăk Mế và làng Le có điểm chung là được thành lập dựa trên cơ sở gom dân từ khắp nơi về một chỗ, việc này xảy ra từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đồng bào cùng một dân tộc sinh sống cùng nhau càng có lợi cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Vậy nhưng, phải rời xa môi trường sinh sống cổ xưa (với người Rơ Măm đó là rừng Chư Mom Rai và người B’râu là dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia). Được ở làng mới có điện, có nước sạch nhưng bà con phải xa con sông, con suối, xa rừng, xa nương rẫy. Cuộc sống văn minh, hiện đại cũng góp phần vào xóa mờ nếp nghĩ xưa, xóa nhòa nhiều hủ tục. Những năm gần đây, nhiều người được công nhận là nghệ nhân trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa cũng tạo ra khí thế, động lực mới cho bà con. Trong làng Đăk Mế có khá nhiều nghệ nhân cồng chiêng, dệt, thêu, đặc biệt có lớp học của ông Tha Gum Hiêng dạy cách đánh cồng chiêng cho con trẻ. Chúng tôi gặp hai nghệ nhân cồng chiêng là Tha Gui và Y Mưu. Hai người cho biết, tục lệ sử dụng cồng chiêng bây giờ khác xưa. Trước chỉ có nhà nào giàu mới đánh cồng chiêng, nhưng đến nay ai cũng có thể đánh. Được cổ vũ tuyên truyền nhiều, nhận thức của giới trẻ về cồng chiêng cũng tiến bộ. Nghệ nhân Y Mưu nói như quả quyết: “Tiếng chiêng tiếng cồng của cha ông không mất được đâu!”. 

Dạo một vòng quanh làng Đăk Mế, du khách dễ dàng nhận thấy vai trò trung tâm quần thể nhà văn hóa, sân thể thao. Thiết chế văn hóa này gồm một quần thể ba nếp nhà sàn, bao quanh một sân chơi thể thao. Ngôi nhà rông truyền thống nằm chính giữa được dựng theo trí nhớ của người già. Nghệ nhân Y Pan, 87 tuổi, nói rằng mặc dù một số chi tiết chưa được ưng bụng nhưng về cơ bản là đúng cái nhà rông của người B’râu. Được biết, “khu liên hợp” văn hóa thể thao được người dân sử dụng khá hiệu quả vì ở làng có một sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, đó là chào cờ vào buổi sáng thứ hai. Ngoài ra, không gian nhà văn hóa cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng vào những dịp lễ, tết. Bà Đinh Thị Khiêm, Bí thư Chi bộ làng Đăk Mế cho rằng, cơ sở vật chất như vậy là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong cách làm nếu để cho chính người làng được tự tay thực hiện thì sẽ đầy đủ chi tiết hơn. Ví như những cây nêu dùng trong Lễ đâm trâu chưa có, hay những chi tiết trong nhà dân chỗ thừa, chỗ thiếu chưa đúng ý người già. 

Cách đây 5 năm, khi đánh giá về hạ tầng cơ sở vùng các dân tộc rất ít người cư trú, ngành văn hóa có ghi nhận tình trạng “hết sức yếu kém”: Giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn và lội suối; mùa mưa nhiều nơi hầu như bị cô lập. Trong tổng số 379 thôn, bản (tập trung và xen ghép) đã định canh định cư ổn định, còn 41 thôn, bản chưa có đường đến trung tâm xã (các bản dân tộc Pu Péo, Si La, Ơ Đu, B'râu, Rơ Măm sinh sống giao thông thuận lợi hơn do đã được đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2005-2010).

Hiện nay, về cơ bản, những bản làng của đồng bào DTTS chúng tôi đến trong chuyến công tác lần này đều đã có “điện, đường, trường, trạm”. Làng Seo Hai và làng Văng Môn của đồng bào Si La (Mường Tè, Lai Châu) và Ơ Đu (Tương Dương, Nghệ An) là hai làng tái định cư từ lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Bản Vẽ có quy hoạch khá tốt. Tuy nhiên, cái khó, cái thiếu nhất vẫn là đất sản xuất. Tình trạng thiếu đất canh tác diễn ra ở tất cả các bản tái định cư của đồng bào DTTS dưới 1.000 người.

Đơn cử như ở xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An), mỗi gia đình dân tộc Ơ Đu được cấp khoảng 2.500m2 đất vườn, nương. Ở xã Kan Hồ (Mường Tè, Lai Châu), mỗi hộ dân tộc Si La được khoảng 1ha thì lại ở bên kia sông Đà và đất đó chỉ cho phép trồng cây lâm nghiệp, trồng rau màu. Tình trạng trở lại quê cũ làm ăn diễn ra ở xã Nga My; hoặc chuyển nghề từ nông dân thành ngư dân ở xã Kan Hồ. Ở Tây Nguyên, đồng bào B’râu, Rơ Măm trước đây có diện tích canh tác khá rộng, song do quản lý không tốt, dân số phát triển và hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu “ngấm ngầm” cũng dẫn đến hậu quả thiếu đất canh tác.

Trước những hậu quả “mang tính lịch sử” như thế, nghệ nhân Y Pan của dân tộc B’râu có nguyện vọng được UBND huyện Ngọc Hồi cấp cho Đăk Mế một nương đất riêng, chỉ để trồng cấy, rồi bà con thay phiên nhau làm rẫy, tổ chức Lễ cơm mới cho đỡ quên truyền thống. Đây cũng là một ý hay, tại sao chúng ta không có những “thiết chế văn hóa” là nương rẫy? Chỉ một khoảnh nhỏ thôi, như mảnh ruộng ở đồng bằng?

Những tục lệ tín ngưỡng, nếp ăn, ở, sinh hoạt là một phần của bản sắc văn hóa tưởng rất bền chặt, ăn sâu nhưng thực tế lại rất mong manh, phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh sinh sống./.

LÊ ĐÔNG - VƯƠNG HÀ/QĐNN.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất