Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 30/12/2016 21:42'(GMT+7)

Đào tạo theo chương trình tiên tiến tác động tích cực đến hoạt động của trường đại học


Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016. 

Báo cáo tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm chương trình tiên tiến và xây dựng Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015”, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-TTG ngày 15/10/2008. Đến năm 2012, trong cả nước đã có 23 trường đại học triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới, trong đó: Pha 1 gồm 10 chương trình tiên tiến thí điểm từ năm 2006; Pha 2 gồm 13 chương trình tiên tiến, tuyển sinh và đào tạo từ năm 2008; Pha 3 gồm 12 chương trình tiên tiến, tuyển sinh và đào tạo từ năm 2010. 

Về cơ bản, đào tạo theo chương trình tiên tiến được đánh giá đã thành công, hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra. Chương trình tiên tiến đã có tác động tích cực đến hầu hết các hoạt động của trường đại học, theo hướng hiện đại hoá, chuẩn hoá và hội nhập quốc tế; mang lại nhiều lợi ích cho giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên của chương trình. Chương trình đã đào tạo được đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên đủ trình độ chuyên môn, tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết để tham gia đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế. Việc kiểm định chương trình tiên tiến bởi các tổ chức quốc tế, thu hút được giảng viên, nhà khoa học quốc tế đến giảng dạy, làm việc tại Việt Nam và thực hiện trao đổi sinh viên quốc tế đã góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận với chuẩn khu vực, tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế. 

Đến nay, các chương trình tiên tiến đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (chiếm 7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (chiếm 34,3%) và 1.707 sinh viên khá (chiếm 47,4%). S inh viên các chương trình tiên tiến được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếng Anh, rất chủ động trong tự học, tự khai thác tài liệu, phối hợp làm việc theo nhóm, năng động và rất tự tin làm việc trong môi trường quốc tế. Theo thống kê của các trường, hầu hết sinh viên tìm được việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số trường đại học đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, ảnh hưởng đến tính bền vững của đào tạo theo chương trình tiên tiến. Cụ thể như: cách thức điều hành và quản lý ở một số chương trình tiên tiến thiếu nhất quán, thiếu chuyên nghiệp do chuyển đổi nhiệm kỳ Ban giám hiệu và chuyển đổi nhân sự quản lý; kết thúc Đề án do hết hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, một số trường đã chuyển chương trình tiên tiến về phòng đào tạo hoặc các khoa chuyên môn quản lý hoà cùng với các chương trình đại trà, nên các quy định về chương trình tiên tiến dễ bị buông lỏng. Một số chương trình tiên tiến khó tuyển sinh (Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Toán học, Kỹ thuật y sinh) hoặc có mức học phí thấp (Khoa học môi trường, Vật lý, Hoá học) nên ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Ở một số chương trình tiên tiến, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn khoa học cơ bản còn yếu về tiếng Anh; đội ngũ trợ giảng, cố vấn học tập ở một vài trường còn thiếu và hiệu quả chưa cao. Việc mời giảng viên của trường đối tác tham gia giảng dạy gặp nhiều khó khăn về số lượng và thời gian giảng dạy, nhất là khi hết nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Số sinh viên quốc tế đến học chương trình tiên tiến còn hạn chế do còn nhiều bất cập trong việc quảng bá về chương trình... 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Bộ sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu của nền kinh tế để chọn ngành theo hướng tăng cường các ngành công nghệ mũi nhọn, ưu tiên 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Đối tượng tham gia bao gồm cả các trường công lập và ngoài công lập, theo phương thức hợp đồng giao nhiệm vụ, với phương châm ít sử dụng nguồn ngân sách nhà nước nhưng kết quả tốt nhất. 

Bộ trưởng cũng chia sẻ: Bộ đang xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời, đẩy mạnh kiểm định để trong năm 2017 có thể đưa ra được các trường đầu tư trọng điểm, theo tinh thần đẩy mạnh tính tự chủ của các trường./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất