Chia sẻ với các thầy cô, đội ngũ chuyên gia tại Hội nghị, Bộ trưởng nói:
Từ khi có chương trình sau năm 2000, ngành giáo dục đã tổ chức đánh
giá, điều chỉnh nhiều lần. Lần này, việc đánh giá được thực hiện theo
cách tiếp cận mới – đánh giá trên cơ sở quan điểm Nghị quyết 29 của Đảng
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết,
Quyết định của Quốc hội và Chính phủ về đổi mới chương trình sách giáo
khoa giáo dục phổ thông. Mục tiêu đánh giá là để phục vụ cho việc xây
dựng chương trình mới và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học theo
chương trình hiện hành từ nay cho đến khi triển khai chương trình mới.
Khẳng định, quan điểm chủ đạo khi xây dựng chương trình giáo dục phổ
thông mới là đổi mới căn bản, toàn diện nhưng phải kế thừa những nội
dung tích cực của chương trình hiện hành, của truyền thống để tránh gây
sốc. Bộ trưởng nói rõ: “Những gì bất cập trong chương trình hiện hành
thì cần điều chỉnh. Bất cập không phải là thừa, mà là chưa hợp lý, phải
điều chỉnh. Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức, nhẹ về kỹ
năng, đặc biệt là chưa tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng
lực của người học. Hay về cấu trúc, chương trình hiện nay đóng theo các
môn, không mở theo hướng liên môn, dẫn đến trùng lặp và thiếu hiệu quả
trong việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Một
bất cập nữa, đó là chương trình GDPT hiện hành chưa đạt được mục tiêu
phân luồng do nội dung học thiếu định hướng nghề nghiệp".
Một
chương trình hiện đại theo Bộ trưởng, phải có sự logic, tương tác, kế
thừa lẫn nhau giữa các bộ phận. Do đó, trong việc điều chỉnh chương
trình hiện hành, chúng ta cần xem xét theo hướng phát triển năng lực,
nhẹ nhàng nhưng không cắt bỏ các nội dung học tập một cách cơ học.
Giáo
dục, thời đại đang thay đổi, vì thế để chất lượng đào tạo tiếp cận, đáp
ứng được nhu cầu của xã hội, tôi lưu ý hội nghị: “Chương trình mới phải
tạo ra động lực phát triển mới cho GDPT. Nhưng việc thêm-bớt môn học,
cách thức xây dựng môn học của chương trình GDPT cần được xem xét chu
đáo; phải đảm bảo logic, thể hiện đặc trưng của từng bậc học. Ví dụ, ở
bậc THPT, chọn bao nhiêu môn là vừa, môn ấy như thế nào, bố trí thời
lượng từng năm ra sao để quá trình học vẫn đảm bảo kiến thức phổ thông,
nhưng đảm liên thông cả về cấu trúc, phân bổ, nội dung từng môn” Bộ
trưởng yêu cầu.
Chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo
chương trình GDPT tổng thể, Bộ trưởng cho rằng về cơ bản dự thảo đã
tiếp cận được yêu cầu, tư tưởng chủ đạo đặt ra trong Nghị quyết 29.
Nhiệm vụ của Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT là sớm hoàn chỉnh, công bố chương
trình tổng thể và chương trình từng môn học, làm cơ sở biên soạn SGK
mới.
Bộ trưởng nhận định, để thực hiện chương
trình mới, cần có sự chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Chương trình mới sẽ
thay đổi từ nội hàm tới cách tiếp cận môn học, từ đơn môn sang đa môn,
liên môn, tích hợp… Vậy đội ngũ giáo viên giảng dạy hơn 1 triệu người sẽ
thay đổi như thế nào nào để khi chương trình, SGK mới ban hành phải có
người dạy? Chính vì lý do đó, Bộ đã yêu cầu Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT
mời đội ngũ giáo viên phổ thông đồng hành cùng quá trình đổi mới. Và
trách nhiệm của Dự án, của Ban soạn thảo chương trình sau này là huy
động mọi người cùng tham gia xây dựng chương trình tổng thể, chương
trình bộ môn và biên soạn SGK để có một chương trình và nhiều bộ SGK
tốt.
Bộ trưởng yêu cầu những người tham gia xây
dựng chương trình, biên soạn SGK mới quan tâm đến 2 điều kiện quan
trọng: đó là đội ngũ giáo viên và điều kiện trường lớp. Tránh tình trạng
lệch pha giữa các thành phần tham gia đổi mới.
Bộ
trưởng cũng thể hiện mong muốn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các
thầy cô trong quá trình đóng góp: “Tôi cũng muốn thầy cô tham vấn giúp
BST để lý giải vì sao qua các lần chỉnh sửa chương trình, SGK trước đây
chưa thành công được như ý muốn. Cần phải chỉ ra, ngoài vấn đề từ sự bất
ổn chưa hợp lý trong nội tại chương trình, còn nguyên nhân nào khác,
liệu có phải do giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp…?”.
“Rõ
ràng, điều kiện cơ sở vật chất trường sở của chúng ta hiện nay có hạn,
và có nhiều ý kiến cho rằng để đổi mới giáo dục phải có sự đồng bộ cả về
vật chất và nội dung. Trong chương trình hiện nay, thời lượng của các
môn học liên quan trải nghiệm sáng tạo thực tiễn ít, trong khi đó, để
thực hiện giảng dạy những môn này cần có điều kiện trang thiết bị hỗ
trợ. Khi triển khai phương pháp học tích cực thì phải thảo luận, chia
nhóm, điều này đòi hỏi sĩ số học sinh trong lớp vừa phải, trong khi đó
tại nhiều địa phương, nhiều trường, lớp học vừa chật, vừa thiếu. Do đó,
muốn đổi mới phải đảm bảo tính đồng bộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Vì
dự thảo chương trình tổng thể đã được lấy ý kiến nhiều lần, trao đổi
chuyên sâu, nên tại hội nghị này, tinh thần làm việc là không góp ý
chung chung hay dỡ ra bàn lại mà tập trung góp những ý kiến cụ thể để
hoàn thiện dự thảo chương trình. Những người có trách nhiệm cần lắng
nghe, chắt lọc các ý kiến góp ý để xây dựng chương trình mới nhưng cũng
cần lưu ý tiến độ để sớm hoàn thành trên nguyên tắc đảm bảo nhanh nhưng
chất lượng”, Bộ trưởng đề nghị.
Bộ trưởng cho
rằng với sự chỉ đạo định hướng rõ ràng cũng như tạo điều kiện tốt nhất
của Bộ, với đội ngũ đông đảo nhiều giáo viên, chuyên gia giỏi, dù khối
lượng công việc lớn, thời gian thực hiện không còn nhiều song tính khả
thi của việc hoàn thành chương trình đúng tiến độ, đạt chất lượng là
cao.
Lê Vân (TTXVN)