Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 3/1/2017 19:30'(GMT+7)

Bất cập trong quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thời gian vừa qua, một số ngành, địa phương có quy định bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) phải có chứng chỉ, văn bằng về tin học, ngoại ngữ và coi đó là một trong những điều kiện để tiếp tục giữ vị trí công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm...

Trước hết phải khẳng định, bên cạnh năng lực công tác chuyên môn, việc khuyến khích CBCC từng bước nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, nhất là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế như hiện nay là một yêu cầu cần thiết và hợp lý. Về mặt lý thuyết thì việc chuẩn hóa, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ vừa góp phần vào việc nâng cao chất lượng CBCC, vừa là một nội dung cần được xem xét, đánh giá trong lộ trình thực hiện tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, xét trên những khía cạnh cụ thể của từng đối tượng và lĩnh vực công tác, cũng như căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, yếu tố lịch sử... thì việc áp dụng một cách đại trà, máy móc quy định CBCC bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã và đang tồn tại, nảy sinh những bất cập.

Cụ thể là một số nơi đã có quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mới được xét hoặc cho thi chuyển ngạch. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các địa phương không được bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mới được chuyển ngạch, trừ trường hợp thi/thăng hạng chức danh nghề nghiệp...

Trường hợp mới đây nhất tại Hà Nội là quy định “bắt buộc” CBCC cấp xã, phường phải trải qua kỳ thi công nghệ thông tin, dẫn đến hơn 400 trường hợp bỏ thi. Xét trên mặt bằng tổng thể thì quy định đó là có căn cứ và cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên lại có những điều chưa hợp lý, vì trong đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay (nhất là ở những địa phương thuộc vùng nông thôn, miền núi) nhiều vị trí công việc không liên quan hoặc chưa cần thiết bắt buộc phải liên quan đến công nghệ thông tin như công an, quân sự địa phương... Ngoài ra, do yếu tố lịch sử để lại, nhiều CBCC lớn tuổi, có kinh nghiệm và năng lực công tác chuyên môn, nhưng lại hạn chế, thậm chí là không có điều kiện và khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Một trong những bất cập lớn nhất là, do “áp lực” phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong một thời gian ngắn nên dẫn đến nảy sinh những tiêu cực, từ việc học, thi lấy chứng chỉ, cho đến chuyện “chạy chọt” để qua được các kỳ sát hạch tin học, ngoại ngữ... Bên cạnh đó, những quy định này còn tạo ra “hội chứng phong trào” lạm dụng văn bằng, “sính” chứng chỉ một cách thái quá mà không có thực chất. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh và điều kiện hiện nay, chưa nhất thiết bắt buộc tất cả các CBCC phải có năng lực về tin học, ngoại ngữ trong công việc chuyên môn của mình, nhất là đối với những giáo viên và CBCC cấp xã đang công tại tại các vùng nông thôn, miền núi khó khăn.

Hằng năm, CBCC thường phải tham gia rất nhiều chương trình học tập, tập huấn, bồi dưỡng ngoài chuyên môn nghiệp vụ… Ngoài công tác chuyên môn, họp hành thì thời gian để tự học nâng cao tin học, ngoại ngữ là rất hạn chế, do đó  đã xuất hiện tình trạng một số tập thể, cá nhân có thẩm quyền câu kết với các cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ để mở các lớp đào tạo “phục vụ nhu cầu” theo kiểu “nộp tiền lấy chứng chỉ”, “học giả, bằng thật”. Ngoài ra còn xuất hiện việc mở lớp đào tạo cấp tốc trình độ tin học, ngoại ngữ tràn lan, số lượng nhiều nhưng chất lượng rất thấp.

Mục đích cuối cùng của các cơ quan hành chính nhà nước, của CBCC là phục vụ nhân dân. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc bắt buộc CBCC phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ như là một điều kiện để tiếp tục đảm nhiệm vị trí công tác, để chuyển ngạch, nâng ngạch là chưa hợp lý và chưa thực sự cần thiết. Bởi có những CBCC có năng lực chuyên môn tốt, lĩnh vực công tác không liên quan đến ngoại ngữ, tin học... thì việc bắt buộc họ phải chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vô hình trung sẽ tạo ra áp lực tâm lý, dẫn đến những tiêu cực khác.

Trước mắt, theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần rà soát, bãi bỏ những quy định và chương trình đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ không cần thiết, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước, tốn kém thời gian và tiền bạc của CBCC. Điều này góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của từng CBCC, đồng thời để họ toàn tâm, toàn ý phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức./.

Vĩnh Linh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất