Các phiến đá khắc chữ Maya cổ, có niên đại từ thế kỷ thứ 7, vừa được phát hiện ở phía Bắc Guatemala, qua đó hé lộ nhiều ánh sáng mới về nền văn minh đầy bí ẩn.
Tổng cộng, có 3 phiến đá chứa chữ cổ được khai quật tại các di chỉ khảo cổ La Corona và El Achiotal trong tháng 5. Tấm lớn nhất cao khoảng 1 mét, chứa đầy chữ tượng hình Maya cổ vẫn còn khá nguyên vẹn, bên cạnh các hình khắc đá khác.
"Hoạt động khai quật đã phát hiện thêm 2 tấm đá chứa các chữ tượng hình, với kích thước 40cm chiều dài và 30 cm chiều cao. Một trong số chúng có hình một ông vua đang nhảy múa," Marcelo Canuto, đồng giám đốc Dự án khảo cổ La Corona cho biết.
"Các phiến đá đó còn khá nguyên vẹn, có niên đại từ 1.300-1.400 năm. Chúng tôi đặc biệt bất ngờ và phấn khích trước thực tế rằng chúng vẫn lưu giữ được mức độ chi tiết tuyệt vời tới vậy."
Các cổ vật vô giá này hiện đã được đưa về Guatemala City để nghiên cứu thêm. Được biết các phiến đá cổ này có chứa nhiều thông tin quan trọng, như hoạt động chuyển giao quyền lực của người Maya.
"Các thông tin đó đặc biệt quan trọng với chúng tôi, vì chúng mang tới những thông tin rất chi tiết, về việc các lãnh đạo Maya lên ngôi vua ra sao," ông Canuto giải thích.
Các phiến đá còn mang tới cho các nhà nghiên cứu cơ hội nhìn vào cuộc sống dưới đế chế Maya trong thế kỷ thứ 8, với dân số 15 triệu người và một nền văn minh đã phát triển vượt bậc, gồm nhiều thành tựu như bộ lịch Maya và các đài quan sát thiên văn, bên cạnh nhiều tiến bộ khoa học khác./.
Theo VN+