Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 24/7/2015 10:10'(GMT+7)

Văn học cách mạng, một giá trị văn hóa

Chiến sĩ tìm đọc sách, báo tại phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. (Ảnh: QĐND)

Chiến sĩ tìm đọc sách, báo tại phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. (Ảnh: QĐND)

Văn học là ký ức, là tiếng nói của lịch sử. Giở văn học đời Trần ta thấy thấm đẫm tinh thần Đông A mà chắc chắn âm hưởng của hai tiếng “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) từ ngoài đời thực khi ấy đã vọng vào những trang văn, để rồi hôm nay chúng ta mới được đọc những lời văn thống thiết, hùng tráng, kiêu hãnh về chiến thắng trong tác phẩm của Hưng Đạo Vương, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… Giở văn học đời Lê cũng một giọng chủ âm về lòng tự hào dân tộc, về quyết tâm đánh giặc để giữ nước… Thế cho nên văn học Việt Nam 1945-1975 có nhiệm vụ phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại chống hai kẻ thù thực dân đế quốc lớn, là điều hoàn toàn đúng quy luật phản ánh luận và sáng tạo của văn học. Đây là đặc điểm lớn, đặc điểm cơ bản chứ không phải là một hạn chế như có người nhận định rồi “khuôn” nó vào công thức “minh họa” hoặc “tuyên truyền". Hiện nay, vấn đề biển, đảo thu hút sự quan tâm của mọi người dân Việt Nam, dĩ nhiên có cả văn học nghệ thuật. Thế chả lẽ nói, viết, sáng tạo về chủ đề biển, đảo cũng là “minh họa”, “tuyên truyền”… cả sao? Không! Đó là tiếng nói của trái tim, của hàng triệu trái tim, tiếng nói của hồn dân tộc, tiếng nói của lương tri và lẽ phải!

Cả dân tộc ta phải đổ máu để giành lại độc lập tự do trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Có bà mẹ hy sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất hình chữ S thân yêu này hàng tỷ tấn vũ khí, giết hại bao dân thường, đốt phá hàng trăm làng mạc… Đây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch”, mà là những cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc khát khao có hòa bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn chống lại bè lũ xâm lăng. Thế mà có ý kiến hàm hồ cho rằng, cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy là “cuộc chiến ý thức hệ”, “phi văn hóa”. Đây là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta phải có một quan niệm rõ ràng: Đối với kẻ xâm lược, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đúng là “phi văn hóa” vì chúng là những kẻ giết người mang tội danh diệt chủng. Cho đến hôm nay vẫn có bao em bé bị tật nguyền, yếu ớt không mang hình hài người bình thường vì bị di chứng chất độc da cam. Kẻ rải chất độc chết người ấy xuống những cánh rừng nguyên sinh, xuống những làng mạc bình yên là “văn hóa” hay “phản văn hóa”? Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến cực kỳ có văn hóa, vì đó là cuộc chiến tranh bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa!

Thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng là nhân đạo hóa con người. Vì cố tình không hiểu (hay mập mờ) điều sơ đẳng này của văn học, vì đã lộn sòng chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa mà có người cho rằng, văn học cách mạng 1945-1975 xa rời bản chất sáng tạo đích thực của văn học. Không phải. Chưa bao giờ văn học nhân đạo cách mạng từ khi ra đời (1930) cho đến nay (2015) lại đi chệch ra ngoài sứ mệnh chân chính là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Chỉ cần đưa ra một vài dẫn chứng. Trước 1945, thơ Tố Hữu là tiếng thơ của giai cấp cần lao kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh: “Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà”. Chả lẽ đấu tranh giành lại độc lập tự do để thoát khỏi kiếp hèn nô lệ lại không phải là “sứ mệnh chân chính” sao? Sau 1945, cả dân tộc bước vào thời đại mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn cách mạng: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Nên nhớ trước 1945, nhà thơ họ Chế không hề có một câu thơ đấu tranh cách mạng, cũng nên nhớ ông không chỉ là một nhà thơ, mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa, một nhà triết học. Một trí thức lớn như thế không ai có thể xui ông viết nên những câu thơ rất đỗi thành thực về cuộc đời, về cách mạng trong các tập thơ: Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường-Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc…

Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả. Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù-cả hai chân, bốn chân và không chân- nên người Việt rất ngưỡng mộ, sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi “giặc hai chân” là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi “giặc bốn chân” là thú dữ và “giặc không chân” là thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng cái cao cả còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị tiên, và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Do đó, cũng dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Có thể nói, tính chất anh hùng của sử thi có ở trong máu của mỗi người Việt chân chính, nhất là khi có kẻ thù xâm lăng thì nó càng trỗi dậy mạnh mẽ. Tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính, một phẩm chất của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển, phát huy chứ không thể và cũng không phủ nhận được đặc tính này. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi rất cần nên có một suy nghĩ khác.

Cảm hứng sử thi hào sảng trong văn học 1945-1975 đã tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng. Nhân vật như một vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi, hướng bạn đọc đi về miền nhân văn trong vắt, đi về phía cái cao thượng anh hùng. Ngoài sự thành công xây dựng những điển hình, văn học còn thể hiện được tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Con người sử thi thời đó sống vì cái chung hơn vì cái riêng, con người của lý tưởng, niềm tin, rất khó tìm thấy ở họ có chút gì riêng tư cho cá nhân mình. Tình yêu là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng nó cũng hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi giang sơn. Cũng rất lô-gích, khi đồng chí coi nhau như anh em trong nhà, thì anh em cha con ruột thịt cũng lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau cũng coi nhau như đồng chí. Câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí”. Câu thơ của Phạm Tiến Duật nói rất hay về không khí sử thi trên đường ta đi đánh giặc: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Con người yêu nước, con người có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng ấy càng phải được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt.

Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và chiến thắng các siêu cường đế quốc (Pháp và Mỹ). Nền văn học cách mạng đã cố gắng miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi công vào trang vàng lịch sử nước nhà nền văn học nhân đạo này. Vì ưu tiên nhiệm vụ chính trị kêu gọi cổ vũ phải chạy theo sự kiện nên không thể chú trọng đến vấn đề con người cá nhân. Đây là một đặc trưng, cũng không phải là một hạn chế (nếu có thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Rõ ràng văn học Việt Nam 1945-1975 đã thực sự mang một tầm văn hóa lớn lao đấu tranh vì con người.

Tri ân quá khứ là tìm ở đấy tấm gương soi để hiện tại tốt đẹp hơn. Có thể khẳng định rằng: Không có thành tựu văn chương Việt Nam hiện đại trong lịch sử hai cuộc kháng chiến thì không thể có văn học Việt Nam đa dạng sắc màu như hôm nay./.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú

(Nguồn: QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất