Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 25/7/2015 22:34'(GMT+7)

Công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, nghệ thuật

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xin được bắt đầu bằng việc thống nhất nhận thức những nội hàm chủ yếu của một số khái niệm: công tác tư tưởng; văn hóa văn nghệ; quản lý văn hóa, văn nghệ; chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng.

Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một chính đảng, một nhà nước, một giai cấp... nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối, chính sách đến giai cấp, quần chúng đông đảo, nhằm thúc đẩy giai cấp, quần chúng hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản là một bộ phận cấu thành rất quan trọng và là hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng đông đảo. Qua đó đem lại cho họ sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng. Trên cơ sở đó, quần chúng sẽ tự giác hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, đi tới thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng con người, để mọi người đều được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Văn hóa, văn nghệ, theo nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do lao động của con người sáng tạo và tích lũy lại, tạo nên bản sắc của từng tộc người, từng dân tộc, từng xã hội. Đó là “Thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra, làm thành các giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Văn hóa là sự hiểu biết, là khả năng sáng tạo mà con người tích lũy được trong quá trình học tập, lao động và đấu tranh. Tất cả những sự hiểu biết này chỉ trở thành văn hóa khi nó trở thành nền tảng cho hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ với con người, với xã hội, với tự nhiên và với bản thân mình. Văn hóa là trình độ phát triển các quan hệ nhân tính của một xã hội, của mỗi con người, nó được cộng đồng khẳng định thành một hệ giá trị mà chuẩn mực cơ bản là chân, thiện, mỹ. Văn hóa xác định trình độ nhân văn trong một nền văn minh hoặc trong một xã hội được gọi là văn minh; là mục tiêu, là động lực, là hệ điều chỉnh cho sự phát triển bền vững của một dân tộc, một xã hội. Cốt lõi, tinh túy của văn hóa là hệ giá trị chân, thiện, mỹ - hệ nhân cách cao đẹp kết tinh trong các thế hệ con người của dân tộc, nhân loại.

Văn học, nghệ thuật (văn học - nghệ thuật ngôn từ, mỹ thuật, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu cần thiết thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người.

Quản lý, quản lý văn hóa, văn nghệ là hoạt động thiết yếu nảy sinh khi con người hoạt động tập thể, là sự tác động của chủ thể vào khách thể quản lý nhằm thực hiện mục tiêu chung của tổ chức.

Chủ thể hoạt động tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ trong xã hội là các tổ chức lãnh đạo tư tưởng - văn hóa của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; các cơ quan quản lý văn hóa của hệ thống chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; là toàn bộ các cơ quan tư tưởng - văn hóa của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ thể quản lý này tác động đến khách thể văn hóa văn nghệ bằng cương lĩnh, đường lối, pháp luật, cơ chế, chính sách; giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương; quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa văn nghệ từ Trung ương đến cơ sở.

Khách thể của hoạt động văn hóa, văn nghệ là các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ.

Hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ, yêu cầu phải đánh giá sự đúng đắn của các quan điểm, đường lối, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta. Đánh giá chất lượng, hiệu quả các hoạt động phát hiện, lãnh đạo, bồi dưỡng các tài năng văn hóa, văn nghệ; chất lượng, hiệu quả hoạt động lý luận, phê bình, quảng bá; chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa văn nghệ là: c­ác nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ có sáng tạo nên nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao hay không? nhất là thông qua các hoạt động lý luận, phê bình tuyên truyền, quảng bá các giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm này có tác dụng sâu sắc xây dựng con người, nâng con người, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ? Có thể khẳng định, cần phải lấy việc xây dựng con người Việt Nam có tâm hồn, tình cảm trong sáng, có nhân cách cao đẹp là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ. Để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 khóa X của Bộ Chính trị, cần tập trung đánh giá hoạt động của chủ thể lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới”; đánh giá hoạt động khách thể của quản lý văn học, nghệ thuật - là đội ngũ văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo ra các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Từ kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 khóa X của Bộ Chính trị, đối chiếu với những tiêu chí, chuẩn mực đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ, chúng ta có thể đưa ra một số đánh giá bước đầu sau đây:

Phương hướng chung, 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ, 4 cụm giải pháp để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 3 mục tiêu, 3 quan điểm chỉ đạo, 7 chủ trương, giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới là đúng đắn, kịp thời. Việc lãnh đạo tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược này trong 15 năm và 5 năm qua, trong bối cảnh tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế, đã mở rộng không gian sáng tạo cho văn hóa, văn học, nghệ thuật. Điều kiện hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật từng bước được cải thiện, tự do trong sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật và sự đa dạng, phong phú về đề tài, chủ đề, loại hình, phương pháp sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng. Tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ được khơi dậy và phát huy, nên đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật trong 15 năm qua khá sống động và có bước tiến nhất định cả về số lượng và chất lượng.

Về số lượng, các tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất bản ngày càng nhiều, càng đa dạng. Về chất lượng, có một số tác phẩm khá tốt trên tất cả các loại hình từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, đến múa, nhiếp ảnh, kiến trúc... đáp ứng bước đầu yêu cầu mới của công chúng về văn hóa văn nghệ.

Tuy nhiên, mặt hạn chế yếu kém của chủ thể và khách thể quản lý văn hóa văn nghệ thời gian qua nổi lên mấy vấn đề sau:

Tổ chức triển khai thực hiện 4 cụm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 và 7 chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có rất nhiều điểm hạn chế bất cập.

Về giải pháp 1: Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Do không ít cấp ủy chính quyền các cấp buông lỏng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, dẫn đến bệnh thành tích, “chạy” trường, “chạy” danh hiệu... nên một số cuộc vận động và phong trào thi đua ở không ít cơ quan, đơn vị đã trở thành hình thức.

Về giải pháp 2: Xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa. Mặt hạn chế, yếu kém nhất trong thực hiện giải pháp này là sự chậm trễ, lạc hậu của việc thể chế hóa bảy nhóm chính sách như: chính sách kinh tế trong văn hóa; chính sách văn hóa trong kinh tế; chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa; chính sách đặc thù hợp lý, hợp tình cho những loại đối tượng xã hội cần được ưu đãi tham gia và hưởng thụ văn hóa; các chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế về văn hóa.

Riêng chín đề án để triển khai bảy cụm chủ trương, giải pháp phát triển toàn diện nền văn học, nghệ thuật, 5 năm qua đã có sáu đề án được thông qua với 36 cơ chế chính sách nhằm hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật, xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Rà soát bổ sung và xây dựng mới các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học nghệ thuật như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển. Tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật, đảm bảo kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật, xác định việc đầu tư này là đầu tư cho phát triển. Xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền, có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đầu tư chính sách các công trình văn hóa nghệ thuật, nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Các cơ quan quản lý của Nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình phối hợp chặt chẽ với các Hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt định hướng thẩm mỹ cho công chúng - là một trong 7 chủ trương, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật của Nghị quyết 23 ban hành từ năm 2008, theo chỉ thị của Ban Bí thư là đến 31-12-2009 cần phải được thể chế hóa xong nhưng đến tháng 11-2011 mới thông qua được 6 đề án. Tháng 12-2013, 36 cơ chế chính sách này vẫn còn là 36 đề mục trong 6 đề án đó.

Trong cụm giải pháp 3 có 3 tiểu giải pháp, đó là: tăng mức đầu tư cho văn hóa; thực hiện các chương trình có mục tiêu về văn hóa nghệ thuật, đầu tư có trọng điểm và hiệu quả; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các đơn vị văn hóa nghệ thuật.

Trên thực tế cả 3 nội dung trên đều thực hiện rất hạn chế, có nhiều yếu kém, nhất là chất lượng, hiệu quả thực hiện cụm giải pháp này.

Đánh giá về những yếu kém trong hoạt động của chủ thể sáng tạo, trong 15 năm qua, nhìn chung là chất lượng tác phẩm chưa tương xứng với số lượng. Điều đáng quan tâm là có ít tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; còn nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường cả về tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện, chủ yếu là xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp hoặc đánh mất chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Một số tác phẩm biểu hiện tư tưởng cực đoan, tô đậm, cường điệu mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống, xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và hai cuộc kháng chiến, thậm chí có một số tác phẩm độc hại đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.

Nhiệm vụ hàng đầu, vấn đề cốt lõi của văn hóa, thiên chức cao quý của văn học, nghệ thuật là xây dựng con người. Xây dựng tâm hồn, tình cảm, xây dựng đạo đức, nhân cách của con người. Thế nhưng, 15 năm qua, điều không thành công nhất của thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 là vấn đề xây dựng con người! Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tiêu cực xã hội, tội phạm xã hội, tội phạm trong lớp trẻ ngày một tăng. Sự suy thoái này ngày một nghiêm trọng hơn, có nguy cơ đụng đến sự tồn vong của Đảng, của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Văn hóa văn nghệ bao gồm cả chủ thể lãnh đạo, quản lý và văn nghệ sĩ đều phải chịu trách nhiệm đối với thực trạng này, nguy cơ này.

Để cho phương hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong lĩnh vực quản lý văn hóa, nghệ thuật không chỉ dừng lại trong các văn kiện hoặc là những khẩu hiệu suông thì một trong những giải pháp cơ bản và cấp bách là: tất cả các cấp lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ đều phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; gắn chặt với việc quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu  phát triển bền vững đất nước”. Theo đó, cần tập trung vào một số khâu đột phá sau:

Một là, trên cơ sở đánh giá nghiêm túc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để xây dựng, quy hoạch, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết và có phương pháp lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đặc thù có tính quan trọng và nhạy cảm này.

Hai là, xây dựng, ban hành luật chấn hưng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam. Luật này điều chỉnh hoạt động của tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (có thể không bao gồm 2 lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ). Sau luật cơ bản này sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu cho từng lĩnh vực nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để chấn hưng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam, tập trung xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ba là, đổi mới căn bản cơ chế chính sách, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn hóa, văn học, nghệ thuật. Phải có cơ chế chính sách mới trong việc phát hiện nhân tài. Sau khi phát hiện được các tài năng trẻ cần tập trung bồi dưỡng, rèn luyện tài năng có trí tuệ, có bản lĩnh, có tâm huyết và đặc biệt là bồi dưỡng hun đúc khát vọng sáng tạo cho văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ gắn bó lâu dài và bám sát mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, kiện toàn thực sự các cơ quan tham mưu của Đảng về văn hóa văn nghệ, từ phó trưởng ban tuyên giáo phụ trách văn hóa, văn nghệ; vụ văn hóa - văn nghệ, phòng văn hóa - văn nghệ của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố đến cán bộ văn hóa - văn nghệ chuyên trách của ban tuyên giáo huyện, quận. Những cán bộ này phải được đào tạo cử nhân chính trị chuyên ngành quản lý văn hóa tư tưởng và đào tạo chuyên sâu công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ./.

PGS.TS. Đào Duy Quát
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất