Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 22/6/2012 14:52'(GMT+7)

Báo chí cần phát huy bản lĩnh, tâm hồn và trí tuệ Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ trao giải.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ trao giải.

Trong không khí kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã trang trọng tổ chức Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ VI - năm 2011.

Đến dự Lễ trao giải còn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; Lê Thanh Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh; Vũ Văn Ninh, Uỷ viên Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diễn lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu Khai mạc. 

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Giải báo chí quốc gia là một trong những hoạt động quy mô toàn quốc, vừa để tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc của năm, vừa để động viên, khuyến khích các nhà báo tiếp tục phấn đấu, nấng cao chất lượng thông tin, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tươi đẹp của chúng ta.

Ôn lại truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo vĩ đại của Việt Nam đã sáng lập Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925, đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh như ngày nay. Lịch sử 87 năm vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủng hộ, tin cậy đùm bọc, chở che của nhân dân, đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ những người làm báo cách mạng.

Đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Những người làm báo nước nhà hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn sứ mệnh cao cả của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém để cống hiến ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp và phát triển đất nước. Dù vẫn còn khiếm khuyết, yếu kém cần rút kinh nghiệm và khắc phục, nhưng về tổng thể, báo chí vẫn thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng và là diễn đàn của nhân dân, thực hiện các chức năng thông tin, tổ chức và phản biện xã hội.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Năm nay Giải báo chí quốc gia bước sang năm thứ 6, trao giải cho những tác phẩm xuất sắc năm 2011 của những tác giả - nhà báo chuyên và không chuyên đã vượt qua khó khăn gian khổ, lăn lộn với thực tế cuộc sống, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao Giải A cho 2 các nhóm tác giả thuộc LCH Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.


Tiếp theo thành công của những mùa giải trước, Giải báo chí quốc gia lần thứ 6 năm nay đã thành công tốt đẹp, với số lượng tác phẩm - tác giả và số đơn vị báo chí tham dự cao so với nhiều năm. Có 1.268 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, được tuyển chọn từ 55 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 62 Liên chi hội, Chi hội trực thuộc và cơ quan báo chí Trung ương. Đây là năm có số Hội địa phương trong cả nước tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Vừa qua, từ 153 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo, Hội đồng chung khảo đã tuyển chọn được 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại để trao giải, gồm: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích.

Các tác phẩm dự Giải là bức tranh phản chiếu đầy đủ, khách quan tình hình đất nước trong năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ở trong nước cũng như trên thế giới; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự lao động sáng tạo, nỗ lực của toàn dân, đưa đất nước vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến lên.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuần Hữu trao Giải B cho các tác giả và nhóm tác giả.


Một số tác phẩm có chất lượng cao trong việc thể hiện chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi mặt đời sống xã hội... Nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề, có ảnh hưởng xã hội và thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn đối với công chúng. Đồng thời, nhiều tác phẩm phản ánh, điều tra sâu các vụ tiêu cực, thể hiện thái độ chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng một cách mạnh mẽ. Các nhà báo dùng ngòi bút sắc sảo của mình đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại của các thế lực phản động trong và ngoài nước chống phá đất nước ta. Các nhà báo cũng mạnh mẽ vào cuộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường; bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mảng đề tài về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được báo chí quan tâm đậm nét...

Nhà báo Hà Đăng, Liên chi  hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương (đứng giữa hàng đầu) cùng các tác giả, nhóm tác giả nhận Giải C.


Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lời chúc mừng tới các nhà báo nhân kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn coi trọng, tôn vinh những thành tựu của báo chí và tin tưởng khi giao trách nhiệm cho đội ngũ những người làm báo nước nhà.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan (tác giả 2 năm liền đạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận) giao lưu tại chương trình.

Nói về vai trò của báo chí, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong suốt quá trình từ kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc đến thời kỳ xây dựng phát triển đất nước đi lên CNXH, và đặc biệt là hiện nay, trong bối hội nhập quốc tế, thực hiện CNH-HĐH đất nước, Báo chí Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò của mình trong việc chuyển tải thông tin; thực sự là một trong những nhịp cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Việt Nam với thế giới. Thông qua báo chí, bạn bè thế giới thấy được sự tươi đẹp, lòng hiếu khách, tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân Việt Nam cũng như những kết quả tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...

Cùng với phát huy tính nhanh nhạy, kịp thời, chân thực, đấu tranh chống tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo chí cách mạng nước nhà cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong việc góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, trưyền thống tốt đẹp và lịch sử tự hào của dân tộc.

Bên cạnh sự phát triển vững mạnh của báo chí cách mạng thì hiện nay vẫn luôn tồn tại một dòng chảy báo chí phản cách mạng - đi ngược lại lợi ích và sự phát triển của đất nước, dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn những người làm báo cần rèn luyện, phát huy bản lĩnh Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, trí tuệ Việt Nam để chiến thắng và đẩy lùi những xu thế phản động; đồng thời phát huy bản lĩnh trong đấu tranh chống lại các âm mưu thù địch luôn rắp tâm chống phá thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, góp phần thành công vào quá trình hội nhập quốc tế, thực hiện CNH-HĐH đất nước./.

Năm nay, các tác phẩm báo in khá tốt, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nội dung, đồng đều về chất lượng, nhưng không có giải A. Giải A thuộc về báo hình và báo nói, với những đề tài phản ánh sinh động về những vấn đề thời sự, có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Hai giải A cho thể loại Phát thanh-Truyền hình thuộc về tác phẩm “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế” của nhóm tác giả Thùy Vân, Thu Lan, Lê Phúc, Lê Bình (Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam) và “Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga” của nhóm tác giả Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lê Thắng, Việt Anh (Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam).

Tác giả Hà Đăng thuộc Liên chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương đạt giải C (thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận) với tác phẩm "Công tác tư tưởng - Cái dễ và cái khó" (Đăng trên Tạp chí Tuyên giáo) .

Cũng thuộc thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận, tác phẩm "Vai trò của mạng xã hội, thông tin và báo chí trong các biến động chính trị - xã hội ở Trung Đông và Bắc Phi" của Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW (Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân) đã đạt giải C.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất