Trong cuộc gặp gỡ báo chí, sáng 21/12, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của báo chí đối với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong năm 2012.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định các hoạt động đối ngoại sôi động của Việt Nam đã được báo chí, truyền thông theo sát và tuyên truyền rất đầy đủ, kịp thời, góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Đề cập đến những nét lớn trong hoạt động ngoại giao năm qua, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay Việt Nam tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực.
Số lượng đoàn cấp cao từ cấp Phó Thủ tướng, Phó Tổng thống, Phó Chủ tịch Quốc hội trở lên thăm Việt Nam là 49 đoàn, tăng 5-6 lần so với mức trung bình chung của những năm trước.
Đáng chú ý, lãnh đạo nhiều quốc gia Mỹ La tinh đã thăm Việt Nam với khoảng hơn 10 đoàn, trong đó có các đoàn Panama, Uruguay, Haiti...
Năm 2012, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Năm Hữu nghị-Đoàn kết Việt Nam-Lào.
Để triển khai tích cực chủ trương hội nhập quốc tế trên các phương diện, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Về công tác biên giới lãnh thổ, Việt Nam đã tích cực triển khai các hiệp định quản lý biên giới đất liền với Trung Quốc, thúc đẩy phân giới cắm mốc với Campuchia và tăng dày tôn tạo mốc giới với Lào.
Trong bối cảnh Biển Đông có những diễn phiến phức tạp, Việt Nam đã kết hợp hài hòa cuộc đấu tranh giữ vững biển đảo, đồng thời tích cực cùng các nước ASEAN tạo dựng cơ sở pháp lý hay những tuyên bố, tranh thủ sự sự ủng hộ của các nước trong vấn đề này. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN đưa ra Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, góp phần củng cố lập trường của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Ngoại giao kinh tế góp phần nâng kim ngạch thương mại với các đối tác, trong đó có những đối tác quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào các cơ chế thương lượng đàm phán thiết lập các khu vực tự do thương mại mới như TPP, khởi động các hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc, Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) và chuẩn bị khởi động đàm phán với Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan.
Đến nay, đã có 36 nước, trong đó có nhiều nước trong nhóm G20 công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thay mặt giới báo chí, ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chúc mừng những thành tựu to lớn của các cán bộ ngoại giao trong năm 2012.
Ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan báo chí trong thời quan qua tương đối đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên, việc chỉ đạo thông tin đôi lúc còn chậm. Vì vậy, Bộ Ngoại giao cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp và định hướng thông tin.
Chinhphu.vn