Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 17/6/2010 16:28'(GMT+7)

Báo chí quốc ngữ là lợi khí mở mang dân trí Việt

Một góc trưng bày trong triển lãm (Ảnh: Đức Chính)

Một góc trưng bày trong triển lãm (Ảnh: Đức Chính)

GS.TS Đỗ Quang Hưng thuyết trình chủ đề: “Báo quốc ngữ thời kỳ đầu cho tới đầu thế kỷ XX – Gia Định báo 1865 tới Đăng cổ tùng báo 1907”. Trong đó, ông phân tích: Báo chí Bắc Kỳ phát triển sau nhưng rất bài bản và cực kỳ nhanh. Sự đóng góp bài vở của hàng loạt các danh sĩ xứ Bắc như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Hòe, Ngô Tử Hạ… đã làm cho báo chí có hơi thở của cuộc sống, dân tình – điều mà báo chí Nam Kỳ bị thực dân Pháp kiểm duyệt gắt gao không làm được.

Giai đoạn 1907 - 1918 báo chữ quốc ngữ ngày càng tăng lên, đỉnh điểm là sự ra đời của Đông Dương tạp chí (1913 – 1916) mà chủ bút là học giả lỗi lạc Nguyễn Văn Vĩnh. “Báo chí tuy thoát thai từ sự thống trị của thực dân Pháp nhưng người Việt Nam có ý thức làm chủ nội dung tờ báo tương đối sớm. Những năm 1925 - 1930, báo chí Việt Nam đã cân bằng được 50% ngôn ngữ tiếng Pháp, 50% là chữ quốc ngữ” – GS.TS Đỗ Quang Hưng cho biết thêm.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, MC chương trình cũng khẳng định: “Chúng ta đã biến công cụ cai trị của thực dân thành lợi khí mở mang dân trí người Việt Nam”.

Nhà báo Yên Ba diễn thuyết chủ đề: “Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển của báo chí quốc ngữ”.

Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà báo lớn đầu tiên ở miền Bắc thế kỷ XX bên cạnh một Trương Vĩnh Ký đã quá nổi tiếng những thập niên cuối thế kỷ XIX ở miền Nam. Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức làm chủ bút tờ báo quốc ngữ “Đăng cổ tùng báo” tiếp nhận từ ông Schneider. Schneider muốn tuyên truyền tư tưởng “Pháp - Việt đuề huề” bằng chữ quốc ngữ nên tờ báo đã ra đời.

Nguyễn Văn Vĩnh cho ra đời nhiều chuyên mục, mục đáng đọc như mục “Xét tật mình” để nói về thói hư tật xấu của người Việt. Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: phải biết cái tật của mình mới làm mình mạnh lên được. Hoặc ông đứng mục “Nhời đàn bà” với nội dung rất phong phú từ chuyện đàn ông, đàn bà, vợ chồng, trinh tiết, con cái. Bên cạnh đó có những phóng sự đặc sắc. Theo nhà báo Yên Ba thì Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt nền móng cho sự ra đời của thể loại phóng sự mà sau này đã được các nhà văn nổi tiếng sử dụng thành công, Vũ Trọng Phụng là một điển hình. Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người có công dùng báo chí để quảng bá cho chữ quốc ngữ. Ông từng nói: “Nước Nam ta sau này hay hay dở là dựa vào chữ quốc ngữ”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tham luận với chủ đề “Báo quốc ngữ, một kênh đưa văn học tới toàn dân”. Theo ông thì những tờ báo như Đông Dương tạp chí, Hà Nội tân văn… là những tờ báo đăng rất nhiều tác phẩm văn học nhỏ lẻ hoặc những tác phẩm dài nhưng được chia nhỏ đăng đều đặn đã giúp cho việc đưa văn học tới toàn dân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về: “Lịch sử hình thành và phát triển báo chí Việt Nam; hiện trạng việc lưu trữ báo chí trước 1945 ở Việt Nam và trên thế giới”, cho rằng: “Mỗi nhà báo đồng thời là nhà sử học" để ghi chép, bình luận thời cuộc làm tư liệu cho thế hệ mai sau.

(Theo Đức Chính - Vietnamnet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất