Anh Hồng Hà ơi, Anh ra đi thật sao? Tôi bàng hoàng nhận tin sét đánh này từ Tổng Biên tập Ðinh Thế Huynh, nhưng vẫn không tin đó là sự thật! Mới chiều hôm qua (ngày 13-1-2011), 16 giờ 30 phút, Anh đến thăm tôi tại phòng làm việc ở trụ sở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, số 175 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trong ngày lạnh giá, dáng Anh vẫn nhanh nhẹn, giọng vẫn vang ấm như cách đây mấy thập niên.
Anh phấn chấn kể lại cảm tưởng của Anh được dự phiên khai mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng Cộng sản Việt Nam vào sáng 12-1-2011 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Ðình, Hà Nội. Nét mặt Anh rạng rỡ khi điểm lại các Ðại hội của Ðảng.
Ðại hội lần này, Anh và tôi đều tin rằng, Báo Nhân Dân sẽ làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Anh tâm sự về thuận lợi, khó khăn của tờ báo Ðảng trong thời kỳ mới. Tôi ngạc nhiên, dù đã ngoài tuổi 80, Anh vẫn nhớ, đọc vanh vách họ và tên từng người trong Ban Biên tập hiện nay, kể cả tên một số đồng chí vụ trưởng, phó vụ trưởng ở một số ban biên tập chuyên môn. Ðã từ lâu, nhiều cán bộ, nhân viên trong Tòa soạn cảm phục và biết ơn khi anh hỏi thăm sức khỏe, nhắc rõ tên vợ hoặc chồng, thậm chí một số trường hợp, Anh nhắc tên cả đứa con đầu lòng và hỏi: 'Cháu hiện làm ở đâu? Có mấy con rồi?'...
Tiễn Anh ra về, tôi ngồi đọc chăm chú bài 'Làm báo về Ðại hội II của Ðảng ở trên rừng' đăng trong số báo Công an nhân dân - Xuân Tân Mão mà Anh vừa tặng tôi. Tấm ảnh chụp trong Ðại hội, gồm Anh Tố Hữu cùng các nhà báo. Anh ngồi hàng đầu, bên trái, khuôn mặt trẻ trung. Trong đời những người làm báo, ít ai có vinh dự như Anh được theo dõi, đưa tin hoặc tham gia chỉ đạo thông tin về 8 kỳ liền Ðại hội của Ðảng (từ Ðại hội II đến Ðại hội IX). Anh cũng là người được Trung ương cử đi đưa tin và bình luận về Hội nghị bốn bên ở Pa-ri về Việt Nam trong nhiều năm. Chúng tôi là thế hệ làm báo hậu sinh, được may mắn học ở Tổng Biên tập Hoàng Tùng và Anh về tác phong nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, chuẩn xác trong thao tác nghề nghiệp. Với tôi, Anh là người Thầy, là người Anh về báo chí. Tôi nhớ mãi một trong những kỷ niệm sâu sắc của đời làm báo là, sau ngày giải phóng miền nam (30-4-1975), với cương vị là Phó Tổng Biên tập thường trực, Anh cử tôi đi cùng Ðoàn cán bộ của Bộ Ðại học lúc bấy giờ tham gia tiếp quản các trường đại học ở miền nam. Trong chuyến đi công tác dài ngày ấy, tôi đã viết bài phóng sự - điều tra, được chính tay Anh chữa và cho đăng 4 kỳ liền ở trang 3 với dòng tít 'Ngày mới dưới mái trường'. Ðây là đầu đề do Anh đặt, tôi và nhiều bạn bè làm báo cùng trang lứa vô cùng tâm đắc. Thế rồi, vào dịp Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng (họp vào tháng 12-1976, sau ngày Tổ quốc thống nhất), Anh lại cử tôi vào đất mũi Cà Mau để phản ánh tình cảm và hành động của nhân dân ở rẻo đất tột cùng hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra Ðại hội Ðảng. Hai ngày sau, đúng hôm khai mạc, tôi xúc động đến nhỏ lệ khi bài phóng sự của tôi 'Lời Ðảng từ Ðất Mũi' được đăng trang trọng, toàn văn trên trang nhất Báo Nhân Dân, đúng ngày khai mạc Ðại hội. Ðối chiếu với bản thảo, tôi thấy Anh đã chữa nhiều chữ, nhiều câu rất có hồn, nâng tầm bài viết rõ rệt. Tôi mang nặng ơn Anh khi được chỉ bảo ân tình về cách tìm đề tài thời sự, về phương pháp diễn đạt lô-gích nhưng không xơ cứng, về nghệ thuật sử dụng những từ ngữ đắt giá khi viết phóng sự cũng như viết chính luận. Nhiều anh chị em ở Báo Nhân Dân đều có suy nghĩ giống tôi khi được Anh chữa bài hoặc hướng dẫn nghiệp vụ làm báo...
Những năm tháng nhận công tác ở Văn phòng Trung ương Ðảng, ở Ban Ðối ngoại Trung ương, ở Hội đồng Lý luận Trung ương; và cho đến ngày về cõi vĩnh hằng, Anh là một trong những Tổng Biên tập thường xuyên lui tới Báo Nhân Dân thăm hỏi anh chị em, nhiều lần dự các cuộc hội thảo nghiệp vụ báo chí do Liên chi hội Báo Nhân Dân tổ chức. Mỗi lần như vậy, nhiều cán bộ, phóng viên được nhận từ Anh không chỉ là sự tâm huyết, ý thức trách nhiệm với nghề, mà còn là các 'mẹo' làm báo đầy hiệu quả. Như đã thành một nhu cầu tinh thần, hầu như lần nào đến Tòa soạn, Anh đều rẽ thăm các tòa nhà, đứng lặng hồi lâu ngắm cây đa 71-Hàng Trống đã hơn 300 tuổi, cạnh Hồ Gươm xanh trong...
Anh Hồng Hà ơi, như Anh biết đó, cây đa linh thiêng này lá vẫn xanh về mùa đông lạnh giá và nhú mầm non tơ vào mùa xuân, thời điểm kỷ niệm Ngày truyền thống hằng năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951). Những ngày ấy, Anh vẫn có mặt chụp ảnh kỷ niệm và tâm tình cởi mở với các thế hệ làm báo ở Báo Nhân Dân dưới gốc cây đa đã thêm nhiều bộ rễ và trở thành những gốc cây con vững chãi vây quanh cây Cả. Chúng tôi trộm nghĩ, Anh Hoàng Tùng và sau đó Anh ví như cây cả ấy, sinh ra nhiều cây tiếp nối, là các thế hệ làm báo đi sau, trong đó có chúng tôi. Ở cõi vĩnh hằng, chắc Anh sẽ thanh thản, tự hào vì bóng đa này luôn che mát Anh ở nơi an nghỉ. Những mầm xanh non tơ năm nào có công chăm sóc của Anh Hoàng Tùng và Anh, đã và đang cắm rễ sâu, ngày mỗi ngày vươn cành, tỏa bóng, tô đậm sắc xuân trên các ấn phẩm báo Nhân Dân...
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Anh!
(Theo: Hồng Vinh/Nhân dân)