Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 29/10/2013 19:55'(GMT+7)

Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn phát biểu chào mừng tại hội thảo

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn phát biểu chào mừng tại hội thảo

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với trường Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo), Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng”.

GS,TS. Tạ Ngọc Tấn -Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà báo Trần Gia Thái- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội;  PGS,TS. Trương Ngọc Nam- Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; GS,TS. Thomas A. Bauer- Giám đốc các chương trình quốc tế Đại học tổng hợp Viên, Cộng hòa Áo chủ trì hội thảo.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn đã biểu dương sự kết hợp tổ chức Hội thảo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo), Báo nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ninh. Đây sẽ là cơ hội trao đổi học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các nhà báo, nhà khoa học. TS. Thomas Loui- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Cộng hòa Áo tại Việt Nam cho rằng Hội thảo  sẽ là cơ hội tốt để  thúc đẩy sự phát triển mạnh, sâu rộng và đầy trách nhiệm truyền thông thế giới trong toàn cầu hóa truyền thông hiện nay.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hiệu quả tác động của báo chí truyền thông đã và đang được toàn thế giới quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội, đến lợi ích của từng quốc gia và mỗi công dân. Một xã hội truyền thông với nhiều phương thức truyền tải hiện đại đã và đang tạo ra cơ hội triển vọng nhưng cũng tạo ra những thách thức to lớn, đe dọa sự phát triển của báo chí truyền thông ở mỗi quốc gia. Trong bối cảnh như vậy, mỗi nước cần có sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển báo chí truyền thông trong quá trình toàn cầu hóa; trên cơ sở đó tìm ra các định hướng và giải pháp vận dụng chúng một cách phù hợp và hiệu quả là hết sức cần thiết.

Tại Hội thảo, PGS, TS. Trương Ngọc Nam khẳng định: Hội thảo “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng” đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà báo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời là cơ hội tốt để thúc đẩy sự phát triển mạnh, sâu rộng và đầy trách nhiệm truyền thông thế giới trong toàn cầu hóa truyền thông hiện nay.

Trong thời gian 4 ngày (từ ngày 29/10 – 1/11), Hội thảo được tổ chức thành 8 phiên thảo luận với các chủ đề khác nhau gồm: Báo chí trong tiến trình toàn cầu hóa; Hoạt động báo chí ở Áo và Việt Nam: Những điểm tương đồng; Đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí: Quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp; Ngoại giao công chúng: Báo chí và ngoại giao; Những thay đổi của báo chí: Những thách thức hiện tại cho xã hội tương lai; Báo chí điều tra – Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo; Sự thay đổi mô hình nghiên cứu báo chí, xã hội và truyền thông; Truyền thông toàn cầu và trách nhiệm của báo chí địa phương.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên và nhà báo từ Đại học Tổng hợp Viên – Cộng hòa Áo, Tạp chí Quan điểm toàn cầu Mỹ, Đại học Monash – Australia và các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các cơ quan báo chí Việt Nam. Các bài tham luận tập trung vào các chủ đề: Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa; báo chí và đạo đức báo chí; đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí; báo chí và ngoại giao công chúng...

Ngày đầu tiên của Hội thảo, các đại biểu thảo luận về hai chủ đề: “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa”; “Hoạt động báo chí ở Việt Nam và Cộng hòa Áo, đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí, quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp, ngoại giao công chúng”. Tại đây, các nhà khoa học, nhà báo đã trao đổi về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hoạt động báo chí tại Cộng hòa Áo và Việt Nam. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, nhà báo đưa ra những gợi mở và giải pháp cho vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Hằng Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất