Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 25/3/2015 15:42'(GMT+7)

Báo chí với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội thảo

Ngày 25-3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì hội thảo.

Con người là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội; là nhân tố cơ bản giữ vai trò nền tảng để phát huy nhân tố con người, thúc đẩy xã hội phát triển; đồng thời cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà một xã hội phát triển cần hướng tới. Do vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Trong 70 năm phát triển của Ngành Y tế, 60 năm Ngành Y tế làm theo lời Bác dạy, đặc biệt là trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, Ngành Y tế không ngừng nỗ lực đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để phục vụ nhân dân. Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện làm cho chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; an ninh bệnh viện được đảm bảo hơn; đào tạo đội ngũ y tế theo năng lực, theo chuẩn đầu ra... từ đó nâng cao chất lượng hệ thống y tế... Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.

Hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển. Chúng ta đã đạt được nhiều chỉ số về y tế cao hơn so với các nước có cùng thu nhập. Nhiều kỹ thuật của chúng ta đã vươn ra tầm khu vực, có những kỹ thuật đã vươn ra tầm thế giới như: kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại, điều trị ung thư bằng công nghệ hạt, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, sử dụng robot mổ nội soi… Đặc biệt phải kể tới, đó là: kỹ thuật mổ tim hở, kỹ thuật nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp được chuyên gia của nhiều nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao và đã đến Việt Nam nghiên cứu học tập, phát triển kỹ thuật này. Các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe do Quốc hội giao, các mục tiêu thiên niên kỷ chúng ta đều đã thực hiện tốt, đạt và vượt mức dự kiến. Những thành tựu này là những minh chứng cho sự nỗ lực hết mình của toàn Ngành y tế, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Ngành Y tế còn những hạn chế, yếu kém và đứng trước nhiều thách thức cần được kịp thời khắc phục và vượt qua trong thời gian tới.

Cùng với chặng đường phát triển của Ngành y tế, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều báo, đài có các chuyên mục, chuyên trang về y học thường thức để người dân có những kiến thức nhất định cho việc phòng, chống bệnh tật, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình và của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống chung tay cùng Ngành y tế làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thông qua việc đưa các tin, bài về thành tựu của ngành y tế, về người tốt việc tốt, các tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng chữa bệnh cứu người của đội ngũ y bác sĩ, báo chí đã thổi lên ngọn lửa hăng say, nhiệt huyết, động viên, khích lệ tinh thần hơn 400.000 công chức, viên chức ngành y tế trên khắp cả nước không quản ngày đêm tận tụy chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Báo chí đồng thời cũng đã nêu lên những hạn chế, thiếu sót, thậm chí là yếu kém, tiêu cực còn tồn tại công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân để toàn Ngành y tế tự nhìn nhận, đánh giá và tìm những giải pháp khắc phục, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; để những người thầy thuốc “sâu về y lý, giỏi về y thuật, chắc về y đạo, sáng về y đức” mãi xứng đáng được xã hội tôn vinh là “từ mẫu”.

Bên cạnh những bài viết phản ánh kịp thời, khách quan, trung thực góp phần tích cực trong tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian qua vẫn còn không ít những trang tin, bài báo đưa tin giật gân, câu khách; phản ánh thái quá hoặc suy diễn; lấy cái đơn nhất, cụ thể để đánh giá, kết luận về cái tổng thể… đã làm dư luận hoang mang, thiếu tin tưởng ở đội ngũ những người thầy thuốc, gây tâm lý bất ổn thậm chí thất vọng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám, chữa, chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Trước thực tế đó, hội thảo này được tổ chức với mong muốn phát huy hơn nữa vai trò to lớn của báo chí trong tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm cung cấp tới báo chí các thông tin chính xác, cập nhật về những vấn đề y tế đang được quan tâm; đồng thời thảo luận tìm giải pháp để công tác tuyên truyền, truyền thông trong lĩnh vực này đạt hiệu quả, kịp thời, chính xác, khách quan, trở thành người bạn đồng hành với Ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sóc khỏe nhân dân.

Các tham luận, các ý kiến tại hội thảo đã tập trung vào những nội dung sau: Thứ nhất, những thành tựu, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sau 30 năm Đổi mới. Thứ hai, một số vấn đề y tế nổi bật cần quan tâm hiện nay: Chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo hiểm y tế toàn dân hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân, công tác chăm sóc sức khỏe đối với người nghèo, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số... Thứ ba, báo chí cần gì ở ngành chủ quản? Những thông tin báo chí cần cung cấp? Những thông tin tại Hội thảo các nhà báo còn băn khoăn? Thứ tư, ngành y tế làm gì và như thế nào để báo chí vào cuộc được đúng, kịp thời, khách quan, trung thực... Thứ năm, báo chí làm gì cho ngành y tế, làm như thế nào để vừa phát huy được  vai trò, sứ mạng của mình, vừa đồng hành, chung tay với ngành y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân?

 
 

Theo Th.S Đỗ Võ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế), vai trò của báo chí đối với vấn đề thông tin giáo dục sức khỏe là vấn đề không thể phủ nhận trong thời gian qua. Vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới là phải nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về truyền thông để thực hiện công việc này được tốt hơn. Các nhà chuyên môn y tế cần phải nhận thức rằng truyền thông GDSK thông qua các cơ quan báo chí là sự đầu tư cần thiết. Báo chí là một trong những kênh truyền tải, phổ biến thông tin về sức khỏe nói riêng và những vấn đề về y tế nói chung. Đối với các tờ báo, vấn đề y tế luôn được chú trọng đăng tải như: tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực y tế; Chiến lược phát triển ngành y, dược, các văn bản, Đề án do Chính phủ phê duyệt; các thông tin khoa học y học của các chuyên gia có ý nghĩa đối với công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; hay những văn bản, chỉ đạo của ngành y tế nhằm truyền tải những thông tin y tế một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến với nhân dân. Qua báo chí, bạn đọc thu lượm được nhiều thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành y tế.

Báo chí cũng luôn cập nhật, đăng tải những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế trong nước cũng như thế giới. Bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin y học bổ ích như: ca ghép gan cho trẻ em, nong mạch vành bằng y học can thiệp, điều trị lao bằng phương pháp DOTS… Tại Việt Nam và điều chế thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS… trên thế giới. Những thông tin này giúp độc giả rất nhiều trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đối với những vấn đề gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người dân như vấn đề tăng giá thuốc, có thể nói báo chí cũng là những yếu tố chính làm bình ổn giá thuốc trên thị trường. Các bài báo, các tác phẩm truyền hình, phát thanh đã đưa thông tin, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp cho việc bình ổn giá thuốc. Báo chí đã phát huy vai trò tạo dư luận xã hội, hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng dân chủ công bằng và văn minh.

Ngoài những vấn đề bất cập cần giải quyết, báo chí cũng đã đăng tải những gương người tốt việc tốt, những gương điển hình tiên tiến trong ngành y tế, động viên khích lệ tinh thần hơn 400.000 công chức, viên chức ngành y tế trên khắp các vùng miền, từ cơ sở cho đến trung ương tiếp tục cố gắng, phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nâng cao ý thức dự phòng... cũng là một trong những trọng tâm của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Công tác này cũng được báo chí đặc biệt quan tâm và đăng tải liên tục, kịp thời các dịch bệnh mới nổi, cách phòng và tránh, nguyên nhân… Nhờ tác động báo chí, đạo đức cán bộ y tế cũng đã được nâng lên vì báo chí vừa nêu gương người tốt trong thực hiện y đức vừa phê phán những cá nhân thiếu y đức, góp phần giáo dục y đức cho cán bộ y tế.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận cũng đồng tình, những thách thức về sức khỏe của thế kỷ XXI là vô cùng to lớn. Việc đối mặt với những thách thức này đòi hỏi phải có sự quyết tâm về chính trị, sự hiểu biết về chuyên môn, kiến thức y tế của các nhà báo theo dõi lĩnh vực y tế là rất quan trọng.

Để thông tin về giáo dục sức khỏe có được hiệu quả tốt hơn đến với bạn đọc, các nhà báo cần tập trung tuyên truyền nhiều hơn nữa các chương trình, chính sách của ngành y tế có tác động lớn đến công chúng nhằm thay đổi hành vi và có thái độ tích cực đến chất lượng cuộc sống của chính bản thân họ như tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, vệ sinh môi trường... Ngoài ra, kiến thứcchuyên môn về y tế cũng cần được bồi dưỡng cho những người làm về mảng thông tin giáo dục sức khỏe bởi chính họ, các nhà báo là người đem lại quyền, lợi ích chính đáng cho người dân; góp phần nâng cao kiến thức về sức khỏe để tránh những bệnh tật, dịch bệnh thường hay xảy ra gây mối nguy hiểm, đe dọa đến mạng sống của con người…

Hiện nay, sự minh bạch, tính chính xác, khoa học trong thông tin cũng cần được thực tế bởi người thực, việc thực và thông tin hữu ích hơn với các hành vi chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, nhà báo cần nắm rõ những vấn đề xã hội, những vấn đề y tế đang nổi cộm để chia sẻ với Ngành Y tế, tuyên truyền cho Ngành một cách đúng, chính xác và kịp thời, chứ không chỉ đi sâu vào phản ánh các hiện tượng tiêu cực của Ngành.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất