Thứ Ba, 7/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 8/12/2022 13:27'(GMT+7)

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Sáng 8/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Công thương tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công thương; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương một số địa phương; đại diện Hiệp hội Xăng dầu, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, cùng với khái quát một số tình hình thế giới, trong nước thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão là dịp để Bộ Công Thương nhìn lại công tác chuẩn bị hàng hóa phục Tết; lắng nghe phản ánh của các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, hệ thống phân phối, từ đó cùng các bộ, ngành có kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.

Tại Hội nghị, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, do nhiều yếu tố tác động nên giá cả hàng hóa năm nay sẽ tăng hơn so với trước, tuy nhiên, các doanh nghiệp và Bộ Công Thương đã nỗ lực chuẩn bị nguồn cung và bình ổn giá cả, thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch COVID-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 từ tháng 7/2022 tới 5/2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố, trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh 1.269 sạp hàng tại chợ truyền thống và 517 bếp ăn. Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15 - 30% so với kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng...

Ông Ngô Hồng Y, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa dịp Tết sẽ tăng lên 2-3 lần so với tháng bình thường. Để chuẩn bị nguồn hàng hóa, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành tìm nguồn hàng bảo đảm chất lượng, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 42 tỉnh, thành phố và hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai từ sớm của các địa phương, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả; Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thứ hai, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Thứ ba, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thứ năm, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.

Thứ sáu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương đẩy mạnh sản xuất, kết gắn thị trường. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Chỉ đạo, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trên, qua địa bàn địa phương.

Thứ bảy, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết chủ động kế hoạch sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng), cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.

Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; Tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

Thứ tám, các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; Chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023./.

VŨ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất