Nếu cháy rừng xảy ra, hầu hết các loại rừng ở các địa phương này đều dễ bắt lửa với tốc độ cháy lan tràn rất nhanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước có 25 tỉnh, thành đang trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Các tỉnh có rừng được đặt trong trạng thái báo động ở cấp IV, cấp V là Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang, Lâm Đồng…
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu diện tích rừng, trong đó 18.000 ha rừng thông dễ xảy ra cháy. Vì vậy, Sở đang xây dựng kế hoạch triển khai và phối hợp các địa phương để phòng chống cháy rừng năm 2011.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh cho biết thêm: “Chúng tôi ưu tiên cho mua sắm vật dụng chữa cháy, kí hợp đồng với các lực lượng quân đội trên địa bàn để khi cần điều động một cách chủ động. Tuyên truyền cho người dân hiểu biết và trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ không để xảy ra cháy”.
Với hơn 600.000 ha rừng, Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đáng chú ý là riêng trong tháng 2, tỉnh Lâm Đồng xảy ra 2 vụ cháy rừng. Vụ thứ nhất cháy trong 3 giờ thiêu rụi hơn 2 ha rừng sào. Mới đây nhất vào ngày 27/2, xảy ra cháy tại khu rừng thông nguyên sinh trong khuôn viên Viện sinh học Tây Nguyên trên địa bàn phường 7 thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.
Hiện tại, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với các hạt kiểm lâm khắc phục và đưa ra nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng.
Để hạn chế những thiệt hại do cháy rừng, UBND các cấp và chủ rừng cần có nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân, kiên quyết xử lý những người cố tình vi phạm./.
Theo VOV