Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 15/1/2011 9:25'(GMT+7)

“Bão giá” thật hay ảo

Hàng hoá trong siêu thị rẻ hơn ngoài chợ.

Hàng hoá trong siêu thị rẻ hơn ngoài chợ.

Theo khảo sát giá tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Hôm, Thành Công, Nghĩa Tân… so sánh với hệ thống siêu thị, xuất hiện tình trạng tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với sản phẩm dầu ăn. Một can dầu Neptune 5 lít trong siêu thị Hapro – Thành Công có giá là 160.000 đồng/can thì ngoài chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) lại có giá 200.000 đồng. Rau trong các siêu thị rẻ hơn ngoài chợ: Cải xoong trong siêu thị 1 bó 400g có giá 5.000 đồng, trong khi cũng 1 mớ rau như vậy ngoài các chợ lại được bán với giá 6.000 – 7.000 đồng…. Nhóm hàng tăng mạnh nhất vào thời điểm này là đồ khô như: măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, hạt điều, hạt dẻ cười…. mỗi mặt hàng này có mức tăng từ 50.000 – 70.000/kg.

Bà Phạm Thị Hà ở Trung Hòa – Nhân Chính – Hà Nội đang mua hàng ở chợ Hôm cho biết: “Nấm hương vài tháng trước mua chỉ có giá 250.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 320.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng cũng đồng loạt tăng giá vào thời điểm này. Đi chợ rất khó mua bán, phải tham khảo vài hàng mới tìm được giá chung”.

Ở chợ Nghĩa Tân, thịt bò, cá tươi, hải sản với mức tăng thêm 5-10%. Hiện giá thịt lợn, thịt bò đều có mức tăng 7.000-10.000 đồng/kg; tôm sú cũng tăng 40.000-50.000 đồng/kg, mức giá khoảng 280.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Xuân, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết: “Giá nhập rau vào tăng nên chúng tôi phải bán tăng lên mới có lãi”.

Khảo sát tại chợ Đồng Tâm, gạo Bắc Hương từ 12.000 đồng/kg giữa tháng 11, nay tăng lên 16.500 đồng/kg. Bà Hòa, sống ở khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho hay: "Thực phẩm ào ào nhảy giá. Trứng gà công nghiệp cách đây vài ngày là 18.000 đồng/chục, hôm nay đã lên 21.000 đồng/chục. Tuần trước, rau muống khoảng 3.500 đồng/bó, nay là 5.000 đồng; cải ngồng 10.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg...”.

Với nhóm hàng thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng vẫn ổn định nhưng giá cả những tháng cuối năm lại tăng. Một số loại bia, nước ngọt tăng nhẹ 3-5%. Mặt hàng tăng cao, tăng giá vô lý nhất là mộc nhĩ đã tăng từ 120.000 đồng/kg lên gần 200.000 đồng/kg trong khi không có yếu tố tác động trực tiếp đến giá.

Nhiều người “sốc”, khi các loại rau, thực phẩm tươi sống bất ngờ tăng giá. Anh Tô Xuân Cảnh quê ở Thanh Hóa đang làm việc tại 1 doanh nghiệp ở Hà Nội than thở: "Rau, gạo, thịt, cá... loại tăng ít nhất cũng 500 đồng, nhiều thì tới vài chục nghìn đồng/kg. Ngày trước, tiết kiệm mỗi tháng tôi còn gửi về cho vợ được 2 triệu/tháng, nếu giá cả tăng cao như thế này khó mà gửi tiền về quê được!".

Năm nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp phát tiền thưởng Tết sớm hơn mọi năm, cộng với tâm lý gần Tết mọi thứ sẽ lên giá, nên nhiều gia đình đã đi mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm sớm hơn. Khi thấy nhu cầu mua tăng, các tiểu thương đã nâng giá các mặt hàng thiết yếu. Nguyên nhân về tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong dịp này không phải do đột biến của thị trường, trong đó có vi phạm về niêm yết giá là khá nhiều.

Trong khi đó, tại các siêu thị, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang ở mức giá ổn định, 9 nhóm hàng bình ổn giá được các siêu thị bán đúng cam kết, giá rẻ hơn ngoài chợ.

Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc siêu thị Intimex Bờ Hồ (Hà Nội) cho biết: “Những ngày gần đây nhu cầu mua sắm của người dân có tăng lên, chủ yếu mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm. Do chuẩn bị từ trước nên lượng hàng hóa trong siêu thị Intimex luôn đủ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, bán đúng giá niêm yết”.

Lý giải tại sao nhiều mặt hàng không thuộc nhóm bình ổn giá trong các siêu thị vẫn không tăng giá, chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên kinh doanh siêu thị Hapro cho biết: “Nhiều nhóm hàng siêu thị đã ký hợp đồng dài hạn với nhà sản xuất, nên khi thị trường có biến động thì giá trong siêu thị vẫn ổn định, chỉ có một số hàng hóa nhập ngoại tăng theo thị trường”.

Như vậy, giá cả thị trường không có những cơn sốt đột biến, nhưng đã tăng ở mức cao, tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Lợi dụng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, tiểu thương đã nâng giá trục lợi, ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu dùng.

Vì vậy, để có thể kiểm soát được giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý giá tại địa phương. Đồng thời với các biện pháp quản lý, cần xử phạt nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa lên cao, các hành vi đầu cơ găm hàng thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất