Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 11/1/2011 10:7'(GMT+7)

Hà Nội đón mùa lễ hội

Múa rồng là tiết mục luôn sôi động trong các lễ hội.

Múa rồng là tiết mục luôn sôi động trong các lễ hội.

Nhiều lễ hội độc đáo

Hội đền Và (Sơn Tây) là LH tín ngưỡng nức tiếng xứ Đoài. Hội mở vào rằm tháng Giêng, tổ chức lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Năm hội lớn ở đền Và có tục rước nước. Nước được lấy ở sông Hồng vào sớm ngày rằm tháng Giêng để làm lễ bao sái các vị thần. Thông qua các nghi lễ này, người dân xứ Đoài gửi gắm ước vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Cũng có lễ rước nước, hội đền Sóc (Sóc Sơn) diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng lại được biết đến với nghi lễ dâng hoa tre nhằm gợi lại hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre ngà đánh giặc Ân. Hội đền Sóc còn có lễ chém tướng, diễn tả chiến công của Thánh Gióng, cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Hơn thế, Hà Nội còn có hội ở đền Bạch Mã, Voi Phục, Quán Thánh và Kim Liên "Thăng Long tứ trấn", thể hiện nét riêng của đất Kinh kỳ, sáng tạo không gian thiêng, những mong đất nước hòa bình, nhân dân yên vui.

Hà Nội còn có LH chùa Hương (Mỹ Đức) dài nhất, đông nhất nước với thú vui ngồi thuyền vãng cảnh non tiên cõi Phật, từ lâu đã làm say lòng du khách gần xa…

Sẵn sàng vào mùa hội mới

Một mùa LH mới sắp đến, trước mắt là cả niềm vui và nỗi lo tổ chức. Nhiều người chưa quên tình trạng quá tải trong Lễ Khai ấn đền Trần, chưa quên sự cố cáp treo khiến hàng chục người lơ lửng trên không trong LH chùa Hương, chưa quên cảnh tượng hàng quán bủa vây LH Đống Đa… Rút kinh nghiệm những năm trước, các địa phương có LH trên địa bàn Thủ đô đang nỗ lực chuẩn bị cho mùa hội xuân Tân Mão diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng BTC LH chùa Hương năm 2011 cho biết: Công tác tổ chức LH chùa Hương năm nay có nhiều thay đổi. Việc họp báo trước LH sẽ không diễn ra, thay vào đó là buổi giao ban báo chí sau khi LH diễn ra ít ngày (khoảng 20 tháng Giêng) để BTC có thể lắng nghe mọi ý kiến đóng góp. BTC đã thông qua việc quy hoạch lại dịch vụ hàng quán, yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhằm hạn chế sự ách tắc cục bộ, huyện Mỹ Đức đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mở rộng lòng suối Yến thêm 20m ở bến Thiên Trù, mở rộng đường lên chùa Hinh Bồng từ 3-4m, xây thêm trạm sơ cứu ở sân Thiên Trù… Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Công ty CP Vận tải du lịch Hương Sơn xử lý triệt để các sự cố đường dây, trạm cung cấp điện để hệ thống cáp treo có thể vận hành an toàn.

Công tác chuẩn bị cho hội Gióng ở đền Sóc trong năm đầu tiên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được huyện Sóc Sơn tiến hành sớm hơn mọi năm. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng VH-TT huyện Sóc Sơn cho hay: Không khí LH đã tưng bừng ở 6 làng liên quan đến LH. Nhân dân làng Dược Thượng (xã Tiên Dược) đang làm voi, nhân dân làng Vệ Linh, xã Phù Linh đang làm hoa tre…

Xuân Tân Mão cũng là năm chính hội đền Và, kế hoạch tổ chức LH đã được UBND thị xã Sơn Tây hoàn thiện. Lực lượng an ninh của thị xã phối hợp với lực lượng bảo vệ các xã, phường có nhiệm vụ bảo đảm cho lễ hội diễn ra an toàn, trật tự; phường Phú Thịnh có trách nhiệm chuẩn bị thuyền rước, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng chuẩn bị kiệu thánh, thôn Nghĩa Phủ chuẩn bị kiệu quả… Công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng cho một mùa hội mới.

Cảnh báo lượng khách quá tải

Trước mỗi mùa xuân hội, UBND thành phố Hà Nội, Sở VH,TT&DL thành phố đều có kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức, quản lý LH theo nếp sống văn minh. Thế nhưng, tình trạng quá tải và lộn xộn vẫn diễn ra ở hầu hết LH lớn trên địa bàn Thủ đô. Thực tế đó nói lên rằng, dù các địa phương có chuẩn bị công phu, chu đáo đến đâu nhưng nếu công tác tổ chức, quản lý không tốt sẽ dẫn tới hậu quả không hay. Kết quả kiểm tra thực tế của Đoàn công tác Bộ VH,TT&DL đối với đền Và, chùa Mía, Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) và một số di tích ở tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương trong ngày 5 và 6-1 vừa qua cho thấy: Các địa phương chú trọng tới công tác chuẩn bị, nhưng chưa quan tâm tới việc dự báo lượng khách tham gia LH. Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT & DL, việc không quan tâm dự báo lượng khách tham gia là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lộn xộn, quá tải trong các LH bởi khi lượng khách tham gia quá đông, BTC xoay xở không kịp sẽ làm vỡ mọi sự chuẩn bị trước đó.

Đến thời điểm này, Hà Nội mới có BTC LH chùa Hương dự đoán đón trên 1,5 triệu lượt khách; với các LH lớn còn lại, BTC chỉ ước chung chung là lượng khách đông hơn mọi năm. "Đông hơn" thì ai cũng biết, bởi năm nay đền Và mở hội lớn vào chính rằm tháng Giêng, đền Sóc vào hội Gióng trong năm đầu tiên LH này trở thành Di sản văn hóa thế giới, sẽ có sức hút rất lớn. Đó là chưa kể kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay dài hơn mọi năm, người dân có thêm thời gian dự hội.

"Đông hơn", nhưng là bao nhiêu? Nếu ngay từ bây giờ BTC các LH không dự báo cụ thể hơn về lượng khách để có phương án phân luồng giao thông hợp lý thì sẽ không tránh khỏi tình trạng quá tải, lộn xộn.

Theo thống kê của ngành VH,TT&DL, Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa, gần 2.000 lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa diễn ra vào ba tháng mùa xuân. Không ít LH đã đi vào thi ca, huyền thoại, ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nước Việt, nổi bật là hội đền Sóc, hội chùa Hương, đền Và, đền Cổ Loa…

(Theo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất