(TG)-Lai Châu là tỉnh miền núi Tây bắc khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao. Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào các dân tộc nơi đây đã có những chuyển biến tích cực với việc hàng trăm nghìn người nghèo đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Lai Châu là tỉnh miền núi Tây bắc khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao. Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào các dân tộc nơi đây đã có những chuyển biến tích cực với việc hàng trăm nghìn người nghèo đã có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là điều kiện góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Gia đình chị Thào Thị Sung, dân tộc Mông ở bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, có 8 khẩu và thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, khi chưa có bảo hiểm y tế, những lúc ốm đau chị phải lên bệnh viện tỉnh để khám bệnh và mua thuốc. Mỗi lần đi khám bệnh như vậy, gia đình phải mất vài trăm nghìn đồng để mua thuốc cùng với chi phí đi lại, ăn ngủ. Đối với một hộ thuộc diện nghèo như gia đình chị Sung thì vài trăm nghìn đồng để mua thuốc là số tiền không phải nhỏ. Từ khi Nhà nước có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, các thành viên trong gia đình chị Sung đều được cấp thẻ, được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Chị Thào Thị Sung cho biết: “Đầu năm 2015, gia đình tôi được Nhà nước cấp cho thẻ bảo hiểm y tế. Ở trong bản cũng có nhiều hộ nghèo như tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cầm thẻ xuống bệnh viện, tôi được khám và chữa bệnh không mất tiền. Chính vì thế, gia đình tôi lại tiết kiệm được một khoản tiền để lo cho cuộc sống”.
Còn với chị Giàng Thị Dở, dân tộc Mông ở bản Sáy San, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường thì việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế là rất thiết thực cho bản thân, gia đình cũng như mọi người. Chị Dở bị rối loạn tiền đình và đang điều trị tại Trạm y tế xã Nùng Nàng. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của chị Dở đã thuyên giảm khá nhiều. Chị Dở chia sẻ: “Khi chưa có bảo hiểm y tế người nghèo, tôi và người thân trong gia đình mỗi lần ốm đau đều chỉ dùng thuốc nam để trị bệnh. Bản thân cũng rất ngại đi khám chữa bởi chi phí cho mỗi lần di chuyển, đi lại và mua thuốc là khá cao, khó có thể cáng đáng nổi với diện hộ nghèo như gia đình tôi. Giờ có thẻ bảo hiểm y tế thì tôi không phải tốn tiền nhiều như trước. Có thẻ bảo hiểm y tế và có trạm y tế xã nên lúc bị ốm đau, bệnh tật thì có thể ra khám”.
Thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện. Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tỉnh Lai Châu đã kịp thời ban hành các văn bản và triển khai hướng dẫn đầy đủ các quy định của nhà nước về công tác bảo hiểm y tế, tập trung hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội Lai Châu, từ đầu năm 2015 đến nay đã có khoảng 440.000 lượt người nghèo khám, chữa bệnh với chi phí từ quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 94,3 tỷ đồng. Con số trên khẳng định chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại địa bàn. Người nghèo, người dân tộc thiểu số cơ bản được hưởng đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ chính sách bảo hiểm y tế theo quy định, góp phần ổn định đời sống của đồng bào vùng cao.
Đối với các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng phần nào đến việc cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đơn cử như trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, kê khai khác nhau. Nhiều người dân thậm chí không nhớ chính xác được tên đệm và ngày tháng năm sinh của bản thân, dẫn đến việc cấp, phát trùng thẻ bảo hiểm y tế. Khi phát hiện trùng thẻ đã gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm cũng như các cấp, ngành tổng hợp danh sách người nghèo. Ngoài ra, phần mềm giám định chưa thống nhất, nhiều khi cán bộ bảo hiểm phải làm thủ công; đội ngũ cán bộ giám định còn thiếu, không đồng đều về trình độ; tình trạng thẻ mất, thẻ hỏng còn xảy ra nhiều… đang là những khó khăn mà ngành bảo hiểm xã hội Lai Châu cần được tháo gỡ.
Bà Đoàn Thị Làn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có gần 278.000 người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 65% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo vấn đề người dân bị cấp sót hoặc chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế là rất ít. Những trường hợp sót lọt, chúng tôi lập danh sách bổ sung kịp thời, do đó việc người nghèo không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước hầu như không có.
Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội Lai Châu xác định phải tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế. Qua đó, người dân hiểu và nhận thức đúng lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. “Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dung công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm xã hội thì việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ của cán bộ đối với người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm là việc làm luôn phải quan tâm…” - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu nhấn mạnh./.
Nguyễn Duy