Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 18/2/2009 20:4'(GMT+7)

Bảo hiểm y tế tự nguyện-Bao giờ mới ổn định?

Đây là những nhận định được đưa ra tại hội nghị đánh giá thực hiện BHYT tự nguyện do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 17-2 tại Hà Nội.

Ngược quy luật

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản của hoạt động BHYT là phải đảm bảo theo quy luật số đông bù số ít, tức là người khỏe hỗ trợ người ốm. Khi số lượng người tham gia BHYT càng lớn các dịch vụ khám chữa bệnh càng có điều kiện nâng cao. Tuy nhiên, việc triển khai BHYT tự nguyện tại Việt Nam lại đang đi ngược với quy luật. Hiện nay chỉ người có nguy cơ bệnh tật, mới tham gia, ảnh hưởng đến sự an toàn của quỹ BHYT.

Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2007 quỹ BHYT tự nguyện “âm” 1.452 tỷ đồng. Năm 2008, có khoảng 20,8 triệu lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tự nguyện, trong đó nhân dân khoảng 11,5 triệu lượt. Tính đến thời điểm này, quỹ chi khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó chi cho nhân dân là 1.577 tỷ đồng. Do đó, năm 2008, quỹ BHYT tự nguyện tiếp tục “âm” khoảng 700 tỷ đồng.

Đại diện cơ quan BHXH TPHCM cho biết, tính hết năm 2008, toàn thành phố đã có trên 324.000 người tham gia BHYT tự nguyện tăng mạnh so với năm 2004, năm đầu tiên triển khai loại hình này chỉ có 5.861 người tham gia. Thế nhưng, thực tế người tham gia BHYT tự nguyện dù tăng mạnh nhưng lại chủ yếu là người bệnh nên trái với nguyên tắc BHYT là chia sẻ rủi ro khiến quỹ BHYT luôn trong tình trạng bội chi. Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM, năm 2007, quỹ BHYT bội chi 332 tỷ, trong đó BHYT tự nguyện 298 tỷ; 6 tháng đầu năm 2008 bội chi 142 tỷ thì BHYT tự nguyện đã lên tới 100 tỷ.

Chống bội chi

Trước những bất ổn về việc thực hiện chính sách BHYT tự nguyện và tình trạng bội chi quỹ BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, trong thời gian tới sự phối hợp giữa ngành y tế và BHXH Việt Nam phải được tăng cường hơn nữa. Trong đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan bảo hiểm tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động thực hiện BHYT và khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế. Đặc biệt trước thời điểm 1-7-2009 khi mà Luật BHYT có hiệu lực thi hành, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh về số ngày bệnh nhân nằm lưu tại phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế. Bởi lẽ hiện nay theo quy định, bệnh nhân có BHYT không được nằm quá 2 ngày tại trạm y tế và các phòng khám đa khoa khu vực. Vì quy định này, nên dù bệnh nhân chưa khỏi bệnh cũng phải chuyển tuyến trên, gây phiền hà cho người bệnh và quá tải bệnh viện tuyến trên.

Trong khi đó, ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban BHYT tự nguyện, BHXH Việt Nam cho rằng, để cân đối được quỹ BHYT phải tính toán làm sao đó, để mức đóng của người tham gia BHYT tương ứng với dịch vụ người tham gia sẽ sử dụng trong tương lai. Một trong những phương thức đang được nghiên cứu và thực hiện, đó là khoán quỹ KCB BHYT cho các bệnh viện theo khoán định suất. Tức là chúng ta xác định, một thẻ BHYT với giá tiền ấn định, nhân với số thẻ rồi chuyển cho bệnh viện, để bệnh viện quản lý giống như trước đây ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện. Có như vậy thì mới hạn chế được tình trạng lạm dụng các kỹ thuật, thuốc men, xét nghiệm nhằm làm giảm bội chi quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động để thu hút được người dân tham gia BHYT tự nguyện nhiều hơn nữa, nhất là những người khỏe mạnh để góp phần vào cân đối quỹ BHYT.

Theo Quốc Lập (SGGP Online)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất