Ngày 2/4, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, theo báo cáo nhanh số 23 của Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Nam, đến thời điểm này, bão số 1 chưa gây ra thiệt hại về người; 7 tàu neo đậu tại bến bị sóng đánh chìm; 4 tàu bị hư hỏng.
Mưa bão cũng làm sập đổ 195 ngôi nhà; 1.373 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 trường học bị hư hỏng; 8.600 ha lúa bị đổ, hư hỏng; 121,8 ha rau màu bị hư hại.
Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đoàn công tác do ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực làm Trưởng đoàn cùng với đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Khai thác bảo vệ Nguồn lợi thủy sản trực tiếp tới các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo đối phó với cơn bão số 1.
Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo bố trí lực lượng trực 24/24h sẵn sàng huy động khi có lệnh. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương tham gia tổ chức trục vớt tàu chìm và di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thực hiện nghiêm túc Công điện số 06/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN; tổ chức trực ban 24/24h phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh bão đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp xuống các khu vực xung yếu để chủ động đối phó. Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức di dời dân tại các khu vực nguy hiểm.
Hiện các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão số 1 đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ sau bão, để thông báo kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh, nhất là vùng ven sông, ven suối, tình hình hồ chứa và chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó khi có tình huống xảy ra.
Tại Đồng Nai, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, gây mưa to kèm theo dông và lốc xoáy kéo dài từ 14 giờ ngày 1/4 đến 2 giờ đêm 2/4, gây thiệt hại lớn đến người và tài sản cho nhiều địa phương. Theo số liệu thống kê sơ bộ ban đầu, bão số 1 đã làm 1 người chết do điện giật và 5 người khác bị thương, tốc mái trên 600 căn nhà và sập 19 căn nhà. Địa phương có thiệt hại nhiều nhất về nhà ở là huyện Cẩm Mỹ (198 căn), kế đến là huyện Nhơn Trạch (117 căn) và thành phố Biên Hòa (88 căn). Còn tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (huyện Định Quán), mưa dông đã làm lật 20 chiếc thuyền máy đang neo đậu.
Trên tuyến quốc lộ 51 đi qua địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch đến Thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng loạt cây xanh và trụ điện ven đường đã bị gãy đổ. Nhiều tuyến đường nội ô TP Biên Hòa và các huyện bị ngập nặng. Ngay sau khi nhận được tin báo thiệt hại ở các khu vực, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão ở các huyện đã huy động lực lượng xung kích hơn 700 người để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đối với những hộ bị sập nhà, chính quyền vận động các hộ xung quanh cho tạm trú trong lúc nhà chưa sửa chữa kịp.
Tại Bình Dương, đến trưa 2/4, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy cơn bão số 1 đã làm 200 căn nhà bị tốc mái, trong đó có nhiều khu nhà trọ của công nhân; 8 căn nhà cấp 4 bị sập hoàn toàn, 4 người bị thương. Mưa bão số 1 còn gây thiệt hại hàng chục ha hoa màu, nhiều cây xanh bị gãy đỗ.
Từ đêm 1/4, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra mưa to, gió xoáy giật mạnh. Riêng thị xã Dĩ An đã có 57 căn nhà bị tốc mái, 1 nhà kho, 1 nhà xưởng, 15 phòng trọ và 18 ki ốt nằm trên xa lộ Hà Nội bị gió xoáy thổi bay mái tôn, khiến 2 người bị thương. Tại thị xã Thuận An có 46 căn nhà bị tốc mái, 1 căn nhà cấp 4 bị sập hoàn toàn... Huyện Tân Uyên cũng bị thiệt hại nặng nề do bão số 1 gây ra, 6 căn nhà bị sập, 35 căn bị tốc mái, trong đó có 25 khu phòng trọ bị hư hại nặng. Ngoài ra, mưa lớn khiến sạt lở 4,5 km đường giao thông nông thôn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết, do ảnh hưởng bão số 1, gây mưa lớn, tỉnh Khánh Hòa đã có 1 người bị mất tích tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, đồng thời làm ngập ít nhất gần 700 ha lúa đông xuân vào vụ thu hoạch. Người bị mất tích là ông Hà Hương, 35 tuổi, trú tại xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh). Chiều 1/4, ông Hương đi rẫy về, khi lội qua sông Chò tại khu vực Bến Lội đã bị nước lớn cuốn mất tích. Chính quyền địa phương đang tổ chức lực lượng tìm kiếm người bị nạn.
Khánh Hòa đang xả điều tiết 3 hồ chứa nước là Suối Dầu lưu lượng trên 36 m3/s, Cam Ranh 27m3/s, Am Chúa hơn 6 m3/s… Mực nước ở các sông hiện nay đang hạ, sông Dinh ở Ninh Hòa xấp xỉ báo động 2 (4,71m), sông Cái ở Nha Trang xấp xỉ báo động 1 (7,98m).
Do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra sóng to, gió lớn kết hợp triều cường làm sập và tốc mái nhà dân. Đến 12 giờ trưa 2/4, toàn tỉnh có 10 căn nhà bị sập, 14 phòng học, 4 cơ sở làm việc và 521 căn nhà bị tốc mái; 5 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 2ha bị vỡ; hơn 120 ha xoài, ngô bị ngã đổ và nhiều diện tích cao su bị hư hại chưa kịp thống kê…/.
(TTXVN)