Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 31/3/2012 22:10'(GMT+7)

Bảo vệ Trái đất, không chỉ một giờ

Những thông điệp dễ hiểu và cũng hết sức dễ thương được truyền tới mọi nẻo đường

Những thông điệp dễ hiểu và cũng hết sức dễ thương được truyền tới mọi nẻo đường

 

Năm nay là năm thứ tư Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ Trái đất cùng thế giới. Với thông điệp “Một giờ Trái đất khác biệt”, chiến dịch Giờ Trái đất năm nay do Ban điều phối chiến dịch 350.org Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC) kêu gọi mọi người cùng tắt đèn trong khoảng thời gian từ 20h30 – 21h30 ngày 31/3 nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong một giờ?.

Tất cả mọi người, mọi loài trên hành tinh này đều sinh ra, lớn lên và dĩ nhiên, đến một ngày nào đó cũng sẽ mất đi. Trái đất cũng không là ngoại lệ dù nó to lớn đến đâu, dù nó quay như thế nào. Sự “đi về” của nó vượt ngoài thời gian, không gian hạn hẹp, ngoài phạm vi hiểu biết của con người nhưng nó cũng phải đi về trên hành trình, quy luật của mình.

Loài người không sinh ra Trái đất nhưng có thể hủy hoại, giết chết Trái đất. Loài người cũng có thể cứu sống Trái đất, giúp Trái đất trường thọ hơn, như đứa con hiếu thảo giúp bà mẹ vĩ đại nhất của mình vượt qua trở ngại, ốm đau, bệnh tật, giúp Trái đất ngày một xanh hơn, trở thành “của để dành” tươi tốt, là chốn dung thân yên bình cho ngàn đời sau.

Với ý nghĩa cao cả đó, chiến dịch Giờ Trái đất từ chỗ là một sự kiện quốc tế mang tính tượng trưng hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên phát động, đã trở thành hành động của mỗi quốc gia, mỗi con người đang chung sống trên hành tinh.

Khởi xướng từ năm 2007 ở Sydney, Australia, với khoảng 2 triệu người tham gia; 3 năm sau, cùng với 1.000 thành phố khác trên thế giới, các thành phố lớn của Việt Nam tham gia Giờ Trái đất, đưa số người tham gia lên hơn 1 tỉ người và con số này càng ngày càng tăng lên.

Giờ Trái đất đã mang lại nhưng hiệu quả bước đầu, làm thay đổi  nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ở nhiều đối tượng, từ cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, hệ thống doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể…. Ngày càng có nhiều mô hình hoạt động thiết thực như “Khu phố xanh”, “Trường học xanh”, “Cà phê xanh”, các chiến dịch thu gom rác, trồng cây xanh làm đẹp  môi trường…

Tuy nhiên, trước thực trạng Trái đất ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thiên tai hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần gây hại ngày càng nặng nề cho cuộc sống con người, đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách thiết thực và quyết liệt hơn.

Không dừng lại ở những hoạt động mang tính phong trào nhằm thay đổi nhận thức, mà cần phải nâng lên thành hành động tích cực; không chỉ 1 giờ tắt đèn mà phải xem việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là việc làm thường xuyên của mọi người mọi ngành. Đồng thời đưa ra được những giải pháp căn cơ hơn trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, để người dân có nhiều sự lựa chọn tốt hơn cho cuộc sống chính mình.         

Những dự án như “20 giây cho Trái đất”, kêu gọi tắt máy xe ở những điểm dừng đèn đỏ từ 20 giây trở lên, dự án “Nguồn sáng tương lai” khuyến khích mọi gia đình dùng đèn tiết kiệm điện bằng cách đổi miễn phí bóng đèn sợi đốt, tận dụng ánh sáng tự nhiên trong thiết kế các công trình, khuyến khích sử dụng năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, hay Dự án “Chai Mặt trời”  - dùng hai chai nhựa đổ đầy nước có pha javel lắp đặt trên mái tôn để lấy ánh sáng Mặt trời phát sáng cho ngôi nhà… Hoặc khuyến khích người dân trở lại dùng các vật dụng bằng tre thay cho đồ nhựa...

Về lâu dài, việc làm này cần sự tham gia một cách có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhất là những ngành sử dụng nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng và cũng tác động nhiều đến môi trường như giao thông, điện lực, khai khoáng…

Giờ Trái đất là dịp để mọi người cùng suy ngẫm về những gì mình đã làm, và những gì mình có thể chia sẻ cùng cộng đồng liên quan đến các vấn đề về sử dụng năng lượng, để mọi người, mọi ngành tự tìm ra cho mình một phương pháp sử dụng năng lượng hiệu quả nhất.              

Đừng vì nhu cầu ích kỷ, thái quá của mình mà trở thành những đứa con vô tâm làm cho mẹ Trái đất ngày càng kiệt cùng sức lực. Đừng nghĩ Trái đất là một quả cầu vô tri. Trái đất biết lắng nghe, biết thở dài, biết cựa quậy... Trái đất đang sống, đang thở, đang thương yêu và giận dữ... đang thiết tha chung sống với con người trong một tổ ấm tràn đầy không khí yên bình.

7 tỷ người trên Trái đất hãy chung tay ươm trồng, gìn giữ dù chỉ là một cây xanh hay bảo vệ một cánh rừng, hãy cứu lấy Trái đất bằng khả năng sẵn có của mỗi người; không chỉ một giờ mà bằng nhiều giờ, bằng sự bền bỉ, tự nhiên như nước uống cơm ăn mỗi ngày để Trái đất ngày một xanh hơn./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất