Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 3/3/2010 16:56'(GMT+7)

Văn hóa - Thông tin là chìa khóa mở ra sự an dân ở các xã biên giới

Trên đường tuần tra- Ảnh minh họa

Trên đường tuần tra- Ảnh minh họa

Nhiều mô hình sinh động phát triển văn hóa- thông tin vùng biên giới

Nhằm giúp nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới hiểu và nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, BĐBP tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Đồn biên phòng 281 lắp đặt cụm loa truyền thanh tại xã Dào San, huyện Phong Thổ. Đài truyền thanh xã Dào San hoạt động được 1 năm rưỡi, mỗi tuần phát thời lượng 1 tiếng bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông. Theo anh Mà A Lủ- phát thanh viên của Đài truyền thanh xã Dào San, với nội dung bám sát thực tế, chương trình thu hút được quan tâm của đồng bào: Chúng tôi đặt loa truyền thanh tại phiên chợ ở xã Dào San, phiên chợ sáng chủ nhật, 1 tuần 60 phút. Chúng tôi bố trí: 15 phút là bài hát ca ngợi quê hương, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, sau đó tuyên truyền về tác hại không được di cư. Giới thiệu mô hình làm ăn mới, trồng lúa năng suất, ngoài ra còn triển lãm ảnh cho bà con xem- Anh Mà A Lủ cho biết.

Theo bà Đặng Thị Phượng (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tây Ninh), việc dùng các tiết mục văn hóa - văn nghệ để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với có tác dụng thiết thực với người dân. 5 năm gần đây, ngành Văn hóa- thể thao và du lịch Tây Ninh đã nghiên cứu và đưa ra các mô hình mới như hội thi "Nét đẹp quân hàm xanh" hoặc cuộc thi "Tìm hiểu điểm sáng văn hóa biên giới". Các phần thi phong phú. Phục vụ phong trào xây dựng gia đình văn hóa và làng văn hóa, thì có hội thi sáng tác về qui ước làng văn hóa, gia đình văn hóa. Những bài có giải dàn dựng trên sân khấu biểu diễn và đi vào đời sống, góp phần thiết thực trong việc điều chỉnh hành vi của người dân.

Tại Bình Định, Bộ chỉ huy BĐBP và Sở VH-TT&DL đã khảo sát, thống nhất xây dựng "Điểm sáng văn hóa biên giới bờ biển" tại thôn An Quang (xã Cát Khánh), thuộc địa bàn đồn Biên phòng 316. Tại điểm sáng này có nhiều hạng mục như: Sân khấu ngoài trời, sân bóng đá, bóng chuyền, phòng đọc sách báo, hệ thống truyền thanh... tạo điều kiện cho bộ đội, nhân dân các xã ven biển giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa- thông tin, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa, tiếp thu các giá trị kinh tế- chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học- kỹ thuật... nâng cao đời sống tinh thần. Bước đầu điểm sáng văn hóa này đã phát huy hiệu quả.

Còn tại tỉnh Lào Cai, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Sở VH-TT&DL phối hợp với BĐBP tỉnh cùng với các sở, ban, ngành tuyên truyền hướng dẫn bà con phát triển kinh tế- xã hội. Từ 3 xã được chọn xây dựng điểm sáng biên giới là Si Ma Cai, Trịnh Tường, Bản Lầu, đến nay đã nhân rộng lên thành 14 xã. Các thiết chế văn hóa cơ sở vùng biên ngày càng được chú trọng xây dựng và phát triển, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Huyện Bát Xát xây dựng được 42 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng cho 10 xã vùng biên. Huyện Si Ma Cai xây dựng 7 nhà văn hóa thôn, bản duy trì sinh hoạt thường xuyên. 9 xã biên giới của huyện Mường Khương đều được trang bị mỗi xã một đầu máy chiếu VIDEO, máy nổ và các thiết bị khác trị giá gần 20 triêu đồng. Mỗi đồn biên phòng có một đội văn nghệ xung kích do đoàn thanh niên đảm nhận.

Hiệu quả thiết thực sau 15 năm phối hợp

Để phát huy sức mạnh tổng hợp đưa văn hóa- thông tin về cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào vùng biên giới, biển đảo, từ năm 1993, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã ký kết chương trình phối hợp hành động "Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động Văn hóa- Thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số". Hơn 15 năm qua, chương trình phối hợp này đã góp phần nâng cao một bước chất lượng hoạt động thông tin, cổ động, văn hóa văn nghệ; đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội văn hóa truyền thống; góp phần xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các trang, thiết bị văn hóa- thông tin; tham gia xây dựng các bản văn hóa, nếp sống văn hóa; củng cố bồi dưỡng cán bộ hoạt động văn hóa cơ sở ở các xã, phường biên giới...

Bộ đội biên phòng đã cùng các địa phương xây dựng được trên 500 thôn, bản đạt tiêu chuẩn "Thôn, bản văn hóa", gần 3.000 gia đình được công nhận là "gia đình văn hóa". Các tổ Thông tin văn hóa cùng với lực lượng ở địa phương vận động, tổ chức gần 4 nghìn lớp xóa mù chữa, phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 93 nghìn người và vận động hơn 20 nghìn trẻ em bỏ học trở lại trường; vận động quyên góp tiền xây dựng trường học, mua các dụng cu học tập cho các trường học và học sinh gặp khó khăn; tổ chức tuyên truyền vận động tiêm chủng cho 200 nghìn cháu, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí hơn hơn 204 nghìn lượt người.

Theo Trung tướng Võ Trọng Việt- Chính ủy Bộ đội biên phòng, có nhiều bài học kinh nghiệm lớn sau hơn 15 năm phối hợp giữa hai lực lượng: văn hóa- thông tin và bộ đội biên phòng, nhưng bài học lớn nhất là: "Với trách nhiệm nên họ đã đến vùng sâu, vùng xa- nơi bà con rất cần nâng cao nhận thức, để bà con hiểu và có hành động thiết thực để bảo vệ biên giới, xây dựng cơ sở chính trị và phát triển ổn định cuộc sống. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Họ là đội quân tích cực để đưa kiến thức, sự hiểu biết và nhận thức cho bà con, đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, để bà con hiểu và tin Đảng hơn, đi theo Đảng, để thực hiện nhiệm vụ đổi mới đất nước".

Trong hai năm 2009 và 2010, lực lượng bộ đội biên phòng và văn hóa thông tin nỗ lực hoàn thành dự án xây dựng các điểm sáng văn hóa trên tuyến biên giới, bờ biển và xây dựng chiến lược phát triển văn hóa tuyến biên giới đến năm 2020. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Đại tá Trần Bình Trọng- Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định kiến nghị: Chúng tôi mong muốn là Đảng và Nhà nước quan tâm hơn đầu tư về ngân sách, con người. Thứ hai, ngành VH-TT &DL cần tổ chức các cuộc tập huấn để làm cán bộ, chiến sĩ nắm bắt được nghệ thuật của văn hóa. Thứ ba là nên tăng biên chế số lượng về con người để có nhiều tổ, đội văn hóa phục vụ người dân.

Lấy nhân dân là sức mạnh của tuyến biên giới. Việc nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền văn hóa- thông tin trên tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo giữa Bộ VH-TT và DL và Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, sẽ góp phần thu hút nguồn nhân lực của toàn dân để đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới". Chính vì thế, việc đổi mới nhận thức về việc phát triển văn hóa- thông tin tuyến biên giới, hải đảo là rất quan trọng.

Văn hóa - Thông tin là chìa khóa mở ra sự an dân ở các xã biên giới. Trong điều kiện mới, chúng ta cần đổi mới tận gốc, đổi mới nhận thức về văn hóa ở tuyến biên giới. Phát triển văn hóa biên giới là văn hóa đối ngoại. Thưa hai, cần có sự nghiên cứu địa hình, địa bàn từng tuyến biên giới, để có có chủ trương chính sách phù hợp. Chúng ta cũng cần đổi mới chính sách quản lý biên giới, làm sao vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ biên giới- TS Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lào Cai nhấn mạnh./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất