Các dân
tộc thiểu số ở Việt Nam cư trú trên ¾ diện tích đất nước, tập trung chủ
yếu vùng rừng núi, trung du, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa có tính thống nhất, vừa có
tính đa dạng. Thống nhất là bởi nền văn hóa Việt Nam được định hình,
chọn lọc từ quá trình đoàn kết chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi; từ
quá trình đắp đê, trị thủy, bảo vệ mùa màng; từ lòng yêu nước sâu sắc...
Tính đa dạng bởi đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú trong
những điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu khác nhau, mang đặc trưng vùng
miền. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số có vai trò
quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Ngày 27/7/2011,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc phê duyệt
Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến
năm 2020”. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy
những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đáp ứng
yêu cầu thực tiễn.
Dựa trên Quyết định số 1270/QĐ-TTg, Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê
duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020. Cùng
với đó là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp
tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chiến
lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Ban hành theo Quyết định số
1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính
phủ...
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần
tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, phong phú, đa
dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát
triển chung của địa phương và của đất nước. Tính tự quản, ý thức cội
nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các bản, làng, buôn, phum, sóc… của các
dân tộc thiểu số ở Việt Nam được duy trì và phát huy.
Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông
thôn mới tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, nâng
cao đời sống sinh hoạt tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều di
tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu
số được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và cấp
quốc gia đặc biệt. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 3 bảo
tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê,
trưng bày những di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc
thiểu số Việt Nam.
Đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của
đồng bào dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước). Qua những hoạt
động có ý nghĩa được triển khai trong thời gian qua, các di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn,
tôn vinh và phát huy giá trị; truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc
ngày càng được củng cố, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày
càng được tăng cường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa,
hội nhập quốc tế hiện nay, do sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài
và giữa các vùng miền khiến cho một số thành tố là bản sắc văn hóa dân
tộc thiểu số đang nguy cơ bị mai một, biến mất. Tình trạng xuất hiện yếu
tố văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh trong đồng bào dân tộc thiểu số
đang nguy cơ gây ra những tác động đáng lo ngại. Âm nhạc là một trong
những giá trị quan trọng của văn hóa các dân tộc thiểu số, nhưng hiện
nay không ít giới trẻ không còn chú trọng tới yếu tố này.
Việc
mất dần tiếng kèn lá, vắng tiếng sáo, đàn môi để các chàng trai bày tỏ
tình cảm với người yêu, nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ,
sử dụng nhạc cụ dân tộc có phần thưa thớt trong đời sống,… là hiện trạng
đáng lo ngại trong cộng đồng các dân tộc H’Mông, Thái, Mường, Tày, Cao
Lan... Ngoài âm nhạc, tiếng dân tộc cũng đang có nguy cơ bị mai một.
Nhiều dân tộc chỉ còn vài chục người cao tuổi, già làng, trưởng bản là
còn sử dụng và có ý thức lưu giữ ngôn ngữ của dân tộc mình.
Hoặc
như dân tộc Bố Y có hơn 2.000 người thuộc hai nhóm địa phương là Tu Dí
(Lào Cai) và Bố Y (Hà Giang), trong đó dân tộc Bố Y ở Hà Giang chủ yếu
nói tiếng Giáy và tiếng Tày..., người Bố Y ở Lào Cai chuyển sang nói
tiếng Quan Hỏa hay các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun... vùng Tây Bắc
chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp. Một số phong tục, tập
quán mang nét đẹp lâu đời trong văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số bị
biến tướng do mai một những giá trị văn hóa truyền thống…
Nguy cơ
mai một các giá trị bản sắc của giới trẻ trong dân tộc thiểu số như các
lễ hội dân gian, phong tục, tập quán truyền thống đang hiện diện ngày
càng rõ nét. Việc thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá
trị văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Bên cạnh đó đã và đang
xuất hiện tình trạng hiểu không đúng, thậm chí xuyên tạc bản sắc, giá
trị văn hóa cũng như việc thực hành văn hóa của đồng bào các dân tộc
thiểu số, nhất là trên mạng xã hội gây tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Trên
thực tế, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng,
cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần
xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cần
phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục phát
huy vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc
tích cực của các cơ quan chức năng và điều kiện không thể thiếu chính là
sự tự giác, ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thời
gian tới, cần chú trọng nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, đồng
bào dân tộc thiểu số về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc các dân
tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa hiện đại. Tiếp tục nâng cao nhận
thức về công tác hoạch định và xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong mỗi chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật được ban hành cần xem xét, đánh giá đúng đắn các mục tiêu
văn hóa và những tác động của văn hóa đến phát triển xã hội.
Cụ
thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị
văn hóa các dân tộc thiểu số thành chương trình, đề án cụ thể, phù hợp
với yêu cầu thực tiễn. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách và văn
bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác văn hóa vùng đồng bào dân
tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đồng thời phát huy
cao nhất tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực cho đồng bào dân tộc
thiểu số.
Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa
cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với di tích lịch sử văn hóa
từng vùng miền, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và tôn
vinh nghệ nhân là người dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào lưu
truyền, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, tăng
cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận trong lĩnh vực văn hóa.
Đề
cao và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan
quản lý văn hóa trong định hướng, xây dựng đủ nguồn lực thực hiện các
chương trình, dự án, đề án khoa học bảo tồn các giá trị văn hóa và nâng
cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà
soát kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan quản lý
theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá
trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng và phát
triển hoạt động thông tin cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các
phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, tổ chức phong phú và đặc sắc
hơn các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo. Căn cứ vào đặc điểm điều kiện cư trú và tâm
lý tính cách người dân các vùng, miền để có biện pháp tuyên truyền phù
hợp. Quan tâm phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong
cộng đồng. Chú trọng bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống
của các dân tộc ít người như Phù Lá, La Ha, La Hủ, Lô Lô, Chứt, Cơ Lao,
Cống, Bố Y, Si La, Pu Péo, Brâu, Ơ-đu, Rơ-măm...
Trong bối cảnh
toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công
nghệ thông tin và củng cố các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư
viện, triển khai các hoạt động tuyên truyền trong vùng dân tộc thiểu số
là cần thiết để hỗ trợ việc sưu tầm, lưu trữ, số hóa các sản phẩm xuất
bản bằng tiếng dân tộc thiểu số, luân chuyển tài nguyên thông tin và
phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức
cần thiết. Cần tiếp tục nâng cao năng lực cho phóng viên, biên tập viên
các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số./.
TS. MAI DIỆU ANH (nhandan.vn)