Thứ Ba, 30/4/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 30/1/2023 7:0'(GMT+7)

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật xuất bản

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI, THI HÀNH LUẬT XUẤT BẢN

Một là, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, đã có trên 3.500 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Xuất bản với các hình thức tổ chức hội nghị, tổ chức tập huấn cho nhiều loại đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động xuất bản. Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành Luật được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng, ban hành đầy đủ với 5 nghị định, 6 thông tư, 1 thông tư liên tịch để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật Xuất bản.

Hai là, về thi hành các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật.

Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhà xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương đã ban hành quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành cấp tỉnh để có cơ sở sắp xếp, phân bố mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành bảo đảm tính phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, góp phần hình thành mạng lưới xuất bản, in và phát hành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày sách Việt Nam và phê duyệt Đề án đổi tên Ngày sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Đề án Giải thưởng sách Quốc gia, Đề án sách Nhà nước đặt hàng giai đoạn 2022-2026, Đề án Chương trình sách Quốc gia. Hiện cả 3 đề án “Giải thưởng sách Quốc gia”, “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” và “Sách nhà nước đặt hàng” đang được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào tôn vinh tác giả, người làm công tác xuất bản, phát triển văn hoá đọc.

Việc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản và bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động xuất bản, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các chủ thể, đơn vị, doanh nghiệp triển khai trong thực tiễn. Tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế giá trị gia tăng với việc miễn thuế cho xuất bản sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và 5% với sách khác; đã thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho hoạt động xuất bản của nhà xuất bản.

Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, xâm phạm bản quyền sách, bảo vệ chủ thể sáng tạo và các đơn vị xuất bản.

Ba là, về việc triển khai thực hiện các quy định trong lĩnh vực xuất bản.

Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản đã phối hợp thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình xem xét thành lập, sáp nhập, giải thể nhà xuất bản; trong bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản, bảo đảm đúng quy định của Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Với 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cả ở Trung ương và địa phương thường xuyên được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, lấy đối tượng quản lý là trung tâm. Thời gian, quy trình giải quyết dần được rút gọn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và sản xuất, kinh doanh của các nhà xuất bản.

Hầu hết các cơ quan chủ quản nhà xuất bản đều quan tâm đến công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của nhà xuất bản, đặc biệt là trong việc chỉ đạo giám sát nội dung chính trị, tư tưởng của xuất bản phẩm. Một số cơ quan chủ quản đã có giải pháp hỗ trợ tài chính, đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật hoặc có chính sách đặt hàng đối với các nhà xuất bản để các nhà xuất bản vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhất là trong giai đoạn đại dịch hoành hành. Một số cơ quan chủ quản đã quan tâm đầu tư kinh phí lớn để hỗ trợ nhà xuất bản phát triển các nền tảng xuất bản điện tử cho nhà xuất bản trực thuộc.

Đẩy mạnh triển khai liên kết xuất bản, ngoài việc liên kết về in và phát  hành, có 55/57 nhà xuất bản có thực hiện liên kết trong khai thác bản thảo sách. Số lượng các đơn vị liên kết khai thác bản thảo cũng tăng lên từ khoảng 40 đơn vị (năm 2013) đến nay đã có trên 200 đơn vị thường xuyên tham gia liên kết tổ chức bản thảo.

Công tác lưu chiểu xuất bản phẩm của các nhà xuất bản ngày càng nghiêm túc, đầy đủ. Cho đến năm 2021, khoảng 40% các nhà xuất bản (trừ một số nhà xuất bản chuyên ngành hẹp) đạt 200 đầu xuất bản phẩm trở lên/năm, trong đó có 13 nhà xuất bản đạt trên 1.000 đầu sách/năm.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng ngành Xuất bản vẫn xuất bản được gần 40.000 đầu xuất bản phẩm, trên 462 triệu bản xuất bản phẩm  (chưa kể xuất bản phẩm điện tử).

Bốn là, việc triển khai thực hiện các quy định về lĩnh vực in xuất bản phẩm.

Việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cấp giấy phép hoạt động in gia công xuất bản phẩm được triển khai thực hiện tương đối kịp thời, cơ bản bảo đảm các điều kiện hoạt động cơ sở in theo quy định của Luật Xuất bản. Hồ sơ, thủ tục, quy trình, thời hạn cấp phép cũng được đăng tải công khai, minh bạch. Thủ tục, hồ sơ được quy định rõ ràng, minh bạch góp phần ngành in có sự tăng trưởng khá nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Năm là, về việc triển khai thực hiện các quy định về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm.

Tính đến tháng 10 năm 2022, cả nước có trên 550 cơ sở phát hành (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập), 14.000 điểm phát hành sách (hộ kinh doanh, điểm bưu điện văn hóa xã...).

Số lượng các đơn vị hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm tham gia thị trường ngày càng tăng. Về cơ bản, các doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của xã hội về xuất bản phẩm nhập khẩu. Thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm kinh doanh được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh. Hoạt động phát hành sách giấy qua các sàn thương mại điện tử mở ra tiềm năng lớn cho hoạt động phát hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ. Trong vòng 5 năm lại đây, đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử tham gia vào hoạt động phát hành với thị phần lớn. Một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách cũng chú trọng phát triển các website giới thiệu thành sàn thương mại.

Sáu là, về việc thực hiện các quy định liên quan đến xuất bản xuất bản phẩm điện tử.

Đến hết tháng 11/2022, đã có 17 nhà xuất bản, 11 cơ sở phát hành đăng ký phát hành xuất bản phẩm điện tử. Thị trường xuất bản phẩm điện tử dần được hình thành. Dù còn ít về số lượng với  khoảng 2.000 đầu sách/năm nhưng ngày càng đa dạng về nội dung với loại hình, tích hợp nhiều tính năng tăng, trải nghiệm cho người đọc, người nghe, là cơ sở để hình thành một thị trường sách điện tử với trên 2 triệu người đăng ký tài khoản.

MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Thứ nhất, chưa thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước cho hoạt động xuất bản. Việc cụ thể hóa các chính sách chung cho hoạt động xuất bản như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản còn chậm, chưa hiệu quả. Một số chính sách đặc thù cho lĩnh vực xuất bản chưa được thực hiện như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến; mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ưu đãi lãi suất vay vốn theo quy định của pháp luật. Một số nơi chưa khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn sách cung cấp từ các chương trình. Việc đặt hàng xuất bản sách cho người khiếm thị, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa được thực hiện. Việc triển khai hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua xuất bản phẩm, tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm trong và ngoài nước còn phân tán, hiệu quả chưa cao.

Một số chính sách quan trọng cho lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm chưa được thực hiện, như: Ưu tiên đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; hỗ trợ cước vận chuyển xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn đặc biệt theo quy định; hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua xuất bản phẩm; tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm trong và ngoài nước; ưu đãi tiền thuê đất, thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước; lãi suất vay vốn đối với cơ sở phát hành xuất bản phẩm.

Việc tổ chức thực hiện các chính sách phát triển xuất bản điện tử tuy đã được quan tâm hơn nhưng kinh phí hỗ trợ còn thấp.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện Luật còn bất cập, công tác quản lý nhà nước chưa hiệu quả 

Việc quy định thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện bằng văn bản giấy chưa theo kịp tiến độ chuyển đổi số, giải quyết thủ tục trực tuyến. Một số Sở Thông tin và Truyền thông còn gặp khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, hoặc trong địa điểm thuộc đơn vị công an, quân đội quản lý với nhiều lý do khác nhau (bị hạn chế ra vào). Việc điều tra, kiểm tra, xác minh nơi in lậu còn hạn chế do việc phân định “sách thật, sách giả” gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xuất bản cho thấy, các cơ sở in ngoài chịu sự tác động của Luật Xuất bản còn chịu sự tác động của các quy định của pháp luật về hoạt động in các sản phẩm khác (gần như không có cơ sở in nào chỉ in xuất bản phẩm được điều chỉnh tại Luật Xuất bản, mà hầu hết còn in cả sản phẩm không phải xuất bản phẩm được điều chỉnh bằng Nghị định số 60/2014/NĐ-CP). Điều này dẫn đến sự hiểu biết, cập nhật về quy định pháp luật của các cơ sở in chưa đầy đủ, đôi khi còn nhầm lẫn giữa việc thực hiện theo Luật Xuất bản với Nghị định số 60/2014/NĐ-CP. Vẫn còn có nhiều cơ sở in chưa thực hiện tốt quy định về việc ký hợp đồng giữa cơ sở in với nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

Vấn nạn “in lậu” xuất bản phẩm, chủ yếu là xuất bản phẩm có giá bán lẻ cao, có chi phí mua bản quyền lớn, xuất bản phẩm “best seller”, các loại sách bổ trợ sách giáo khoa,v.v... chưa ngăn chặn được một cách triệt để, tiếp tục gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản, đơn vị liên kết.

Hiện tượng tàng trữ, mua bán sách lậu, vi phạm bản quyền, sách có nội dung vi phạm qui định Luật Xuất bản, chưa được khắc phục hiệu quả.

Một số cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát với lực lượng mỏng, kiêm nhiệm, chồng chéo chức năng dẫn đến hạn chế về chất lượng và hiệu quả công tác. Một số nội dung phối hợp quản lý nhà nước giữa Trung ương với địa phương và giữa các Bộ, ngành ở Trung ương với các Sở, ngành ở địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu công tác, như việc phối hợp phòng, chống in lậu, xâm phạm bản quyền sách trên môi trường mạng, chia sẻ thông tin, liên thông dữ liệu quản lý. Việc đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường mạng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, cản trở sự phát triển của ngành Xuất bản.

Thực tiễn triển khai có một số từ ngữ, thuật ngữ chưa bao quát được hết thực tế như: Về giải thích từ ngữ “xuất bản phẩm” (Khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản) quy định: “Xuất bản phẩm là sản phẩm thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh” chưa bao quát hết thực tiễn, vì vậy rất khó xử lý đối với các tài liệu in và phát hành của các cá nhân, tổ chức không có giấy phép xuất bản. Khoản 9 quy định “Xuất bản phẩm điện tử là xuất bản phẩm quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 4 Điều này được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử”. Quy định này chưa cụ thể dẫn đến các nhà xuất bản xuất bản xuất bản phẩm dưới dạng băng đĩa phải có giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản điện tử, gây khó khăn cho các nhà xuất bản.

Luật Xuất bản quy định 12 nội dung chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, chỉ một số ít chính sách (chính sách đặt hàng sách phục vụ nhiệm vụ chính trị; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động của nhà xuất bản) được triển khai trong thực tế, với quy mô còn hạn chế. Các chính sách của Nhà nước còn lại hầu như chưa thể triển khai hoặc triển khai còn chậm, mức độ rất hạn chế. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân chính là do có sự vướng mắc, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành liên quan: Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, các quy định về chính sách tín dụng, về tiền thuê nhà, đất...

Số lượng thủ tục hành chính còn nhiều. Thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính tương đối dài ngày. Chưa quy định hình thức giải quyết trên môi trưởng điện tử, dẫn đến có thời điểm một số thủ tục thực hiện chậm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc, khó khăn trong việc minh định loại hình tổ chức nhà xuất bản; về thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nhà xuất bản (Điều 13  Luật Xuất bản, Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP); về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản (Điều 16 Luật Xuất bản); về tiêu chuẩn các chức danh tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản (Điều 17 Luật Xuất bản); về cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập (Điều 20 Luật Xuất bản), về quảng cáo trên xuất bản phẩm (Điều 30 Luật Xuất bản)…

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT XUẤT BẢN

Để Luật Xuất bản năm 2012 ngày càng hiệu quả và đi vào đời sống, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.

Theo đó, các kiến nghị và giải pháp để nâng cao chất lượng, hoạt động xuất bản là:

Thứ nhất, về chính sách thuế. Miễn giảm tiền thuê đất, thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (chuyển loại miễn thuế sang thuế suất 0 % để được khấu trừ thuế đầu vào, chuyển loại thuế suất 10% xuống 5% để hỗ trợ kích cầu) và điều kiện cấp bổ sung vốn trong quá trình hoạt động trên cơ sở cơ cấu, tỷ lệ tăng thêm hàng năm của sách phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hỗ trợ cước vận chuyển xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn quy định. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Luật Xuất bản năm 2012 còn nhiều mặt hạn chế trong việc quản lý xuất bản điện tử

Luật Xuất bản năm 2012 còn nhiều mặt hạn chế trong việc quản lý xuất bản điện tử

Thứ hai, kiện toàn, sắp xếp lại các nhà xuất bản. Cơ quan chủ quản các nhà xuất bản nghiên cứu, sắp xếp nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; nghiên cứu dừng hoạt động các nhà xuất bản hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, yếu kém; nghiên cứu phát triển các tổ hợp xuất bản, nhà xuất bản trọng điểm để tạo động lực dẫn dắt thị trường.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo về chuyên ngành Xuất bản có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng cách đào tạo chuyên sâu, bài bản cả về kiến thức chuyên ngành lẫn bản lĩnh chính trị, kỹ năng quản lý.

Thứ tư, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xuất bản, theo đó sớm đầu tư cải tiến hoặc xây dựng mới phầm mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác nhận đăng ký xuất bản, nộp và xác nhận tờ khai lưu chiểu kết nối liên thông để giảm thời gian giải quyết và nhân sự thực hiện.

Thứ năm, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác giám sát thi hành quy định pháp luật, công tác thanh kiểm tra bằng hình thức tăng cường chủ động, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan, cơ quan hành pháp, để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về xuất bản, đặc biệt vi phạm hàng loạt trên môi trường mạng thời gian gần đây./.

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất