Để giữ và phát triển “lá chắn sinh học” nhiều tham luận đề cập đến việc: giữ nước trong kênh rạch để phòng cháy rừng tràm, than bùn; kiểm soát cháy rừng
Giữ và phát triển rừng ngập mặn làm chắn sinh học ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điểm nhấn tại diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức sáng 5/6. Đến dự diễn đàn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo miền Tây Nam bộ, cùng các Sở, ngành liên quan của 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tham luận của Ông Võ Trí Trung (Viện Môi trường và phát triển bền vững, Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển) cho thấy, những cánh rừng ngập mặn vùng ven biển, cửa sông thể hiện vai trò phòng hộ, nhân tố nổi trội duy trì sự bền vững toàn vùng, lịch sử tự nhiên cũng như lịch sử xã hội nhân văn minh chứng ý nghĩa và giá trị của “lá chắn sinh học” này”.
Để giữ và phát triển “ lá chắn sinh học” nhiều tham luận khác cũng đề cập đến việc: giữ nước trong kênh rạch để phòng cháy rừng tràm, than bùn; kiểm soát cháy rừng qui mô nhỏ; xây dựng khu dự trữ sinh quyển; xây dựng nông thôn mới –thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất vùng đệm ven biển có ý nghĩa quyết định xây dựng cấu trúc rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu..
Diễn đàn về Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre kết thúc vào ngày hôm nay (6/6. Các đại biểu tham dự sẽ được tham quan rừng ngập mặn ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre./.
(Theo: VOV)