Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 28/9/2009 15:13'(GMT+7)

Bảo tồn và phát triển Di sản văn hoá Hà Tiên

Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học tìm biện pháp bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá Hà Tiên để có thể khai thác, phát triển ngành du lịch một cách bền vững.

Vùng đất Hà Tiên đã có từ hơn 300 năm qua, từ đó đến nay, Hà Tiên đã trở thành một vùng đất giàu đẹp, nên thơ bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. 10 cảnh đẹp của Hà Tiên cũng đã xuất hiện trong tập thơ “Hà Tiên thập vịnh” công bố lần đầu vào năm 1736 cùng với sự ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các.

Hiện nay, Hà Tiên có hệ thống hang động núi đá vôi, nhiều bãi biển đẹp, rừng nhịêt đới phong phú… Đặc biệt, Hà Tiên còn nổi tiếng với Tao đàn Chiêu Anh Các do con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ sáng lập năm 1736. Đây không chỉ là nơi đàm đạo, sáng tác văn chương mà còn là trường học miễn phí thu hút rất nhiều người; đồng thời đã cho ra đời một khối lượng thi phú khổng lồ, được đánh giá là tao đàn lớn thứ hai của Việt Nam.

Học giả Nguyễn Đình Tư đánh giá: “Lôi cuốn du khách trong và ngoài nước đến với Hà Tiên là Chiêu Anh Các. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều cảnh đẹp khác thu hút du khách, vì vậy cần phải tập trung đẩy mạnh quảng bá các cảnh đẹp này”.

Hà Tiên hiện có 8 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Hằng năm, Hà Tiên đã thu hút một lượng khách tham quan đông nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Bình quân mỗi năm có hơn 640 ngàn lượt khách đến Hà Tiên, trong đó có hơn 60% khách lưu lại nhiều ngày.

Vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý quan tâm là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá này như thế nào cho hiệu quả. Từ năm 2001 đến nay, tổng kinh phí dành cho tôn tạo di tích ở Kiên Giang lên đến gần 22 tỷ đồng nhưng vịêc tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hoá vẫn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ, trình độ chuyên môn, kỹ thụât trong việc trùng tu tôn tạo di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng: “Cần nghiên cứu kỹ việc dựng bia các di tích hay xây dựng lại các bia”

Làm thế nào để nâng cao nhận thức về giá trị của di tích trong đời sống xã hội, trong việc phát triển du lịch bền vững, gìn giữ, bảo vệ di tích, tạo nguồn nhân lực, kết hợp tốt giữa hoạt động văn hoá với du lịch; tăng cường xã hội hoá để thêm vốn đầu tư cho trùng tu tôn tạo và khai thác di tích có hiệu quả là những vấn đề cốt lõi được các nhà chuyên môn đề cập, phân tích. Ông Đinh Hữu Chí, Chi hội sử học Trịnh Hoài Đức, thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Theo tôi, cần có sự phối hợp chung, trong đó Sở Văn hoá Thể thao Du lịch là đầu tàu để tham mưu ý kiến cho Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thêm vào đó là cần có kinh phí…”.

Rõ ràng, Hà Tiên không chỉ là nơi có thắng cảnh đẹp mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, lịch sử đặc sắc. Do vậy địa danh này rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để ngày càng phát triển xứng đáng với tiềm năng lợi thế của một vùng đất giàu truyền thống./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất