Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 24/9/2009 14:30'(GMT+7)

Hơn 3000 nghệ nhân, diễn viên sẽ tham gia Festival cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ 1

Nhiều Lễ hội sẽ được phục dựng lại trong Festival năm nay

Nhiều Lễ hội sẽ được phục dựng lại trong Festival năm nay

Festival quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ Nhất do tỉnh Gia Lai tổ chức vào tháng 11 năm nay đang gấp rút chuẩn bị với nhiều lo toan của địa phương đăng cai. Nhân sự kiện này, HNMO đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Vũ.

* Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Festival quốc tế cồng chiêng lần thứ Nhất sẽ diễn ra tại Gia Lai, việc chuẩn bị đến thời điểm này hẳn đã “hòm hòm” rồi, thưa ông?

- Vừa qua, Bộ cũng đã đưa một đoàn chuyên viên, nhà báo trung ương vào Gia Lai thị sát tình hình để chuẩn bị cho Festival. Về phía tỉnh, chúng tôi đã tiến hành nhiều phần việc quan trọng như gửi lời mời 34 tỉnh tham gia và đã có 29 tỉnh nhận lời. Bộ VH,TT&DL cũng giúp đỡ chúng tôi làm thủ tục mời đến 6 nước bạn cùng tham dự là Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin.Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mời thêm hai nước là Trung Quốc và Nhật Bản tới tham dự Hội thảo về không gian văn hóa cồng chiêng.


29 tỉnh thành đã đăng ký tham gia Festival quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên lần 1

Một số phần việc khác như tập hợp đội ngũ nghệ nhân để tập luyện cho Festival cũng đã được tiến hành. Tỉnh Gia Lai cũng đang gấp rút chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đón một lượng khách đến tham dự Festival lần này.

Festival bao gồm 15 hoạt động chính. Ngoài lễ khai mạc (20h ngày 12-11), bế mạc, các hoạt động quan trọng còn có phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng, Lễ bỏ mả, hội thảo về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch.

Hoạt động trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng được dự báo là sẽ thu hút khách diễn ra ở nhiều nơi trong suốt thời gian lễ hội, từ Quảng trường 17-3, Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng đến điểm du lịch sinh thái Về nguồn, Làng văn hóa - du lịch Plei Ốp.

* Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Tiến Thọ đã nhận lời làm Tổng đạo diễn cho Festival cồng chiêng lần này thay đạo diễn Lê Quý Dương. Ông có thể tiết lộ những điểm nổi bật trong kịch bản chương trình của Festival công chiêng lần thứ Nhất?

- Anh Thọ (NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL) có nói với tôi là sẽ giữ bí mật kịch bản chương trình cho đến ngày tổng duyệt. Tôi chỉ có thể nói là, Festival lần này sẽ huy động một lực lượng lớn nghệ nhân, diễn viên tham gia ước chừng là 2.500 – 3000 người. Trong số đó có khoảng gần 1000 nghệ nhân của tỉnh Gia Lai, 1000 nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

* Ngày 22/9 vừa qua, ở Hà Nội có tổ chức tọa đàm “Để di sản “sống” trong đời sống”, các nhà nghiên cứu văn hóa đề cập đến rất nhiều vấn đề bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng, trong đó có đặt ra vấn đề là việc dàn dựng các tiết mục, lễ hội sẽ biến di sản bị sân khấu hóa. Với tư cách là nhà quản lý văn hóa, lại chuẩn bị tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, ông nói gì về điều này?

- Tôi có nghe nói đến Hội thảo này và những ý kiến về bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trước đó, cũng có không ít nhà nghiên cứu văn hóa hỏi chúng tôi làm thế nào để tránh sân khấu hóa. Theo quan điểm của tôi, quá trình này nằm trong quy luật phát triển của xã hội thôi. Đến giờ, việc sân khấu hóa khó tránh khỏi lắm, có điều là ta tiết chế thế nào để vẫn giữ nét nguyên bản thì phải làm.

Ngay cả các đám cưới bây giờ cũng bị sân khấu hóa rồi, đâu còn cảnh đám cưới làng quê trong các gia đình như trước nữa. Đó là sự phát triển mà dù muốn hay không chúng ta cũng không cưỡng lại được. Chúng ta cũng không thể lấy cái hôm qua áp đặt cái hôm nay. Chúng tôi đang cố gắng phục dựng lại những nghi lễ cổ, như lễ Bỏ mả, lễ Trưởng thành, lễ hội mừng chiến thắng và nhiều loại hình khác để con cháu đời sau biết đến, đó cũng là việc làm tốt đấy chứ.


Nhiều Lễ hội sẽ được phục dựng lại trong Festival năm nay

* Còn vấn đề thương mại hóa các loại hình di sản thì sao? Nhiều người cho rằng việc phục dựng, biểu diễn rồi lấy tiền du khách sẽ làm hỏng di sản, làm hỏng các nghệ nhân, ông nói sao về việc này?

- Chúng tôi phục dựng các lễ hội đâu có bán vé lấy tiền ai nên không thể nói chúng tôi thương mại hóa Không gian văn hóa cồng chiêng. Khi thực hiện công việc phục dựng các lễ hội và định sẽ biểu diễn lại trong Festival năm nay chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của các nhà cứu văn hóa. Chúng tôi ở cương vị quản lý văn hóa thì phải biết lắng nghe, tiếp thu những gì phù hợp, nhưng có những việc vẫn phải làm, nếu không có lẽ chẳng biết đến bao giờ thế hệ sau mới có cơ hội được xem lại những lễ hội cổ của người Tây Nguyên.

* Vậy sau Festival cồng chiêng thì những Lễ hội cổ đã mất nhiều công sức phục dựng lại sẽ được sử dụng như thế nào, hay là nó sẽ lại “cất kho” chờ khi nào có dịp lễ hội khác mới mang ra dùng tiếp thưa ông?

- Có nhiều lễ hội của người Tây Nguyên vẫn đang “sống” trong cộng đồng các dân tộc đấy chứ. Đồng bào dân tộc vẫn đang cố gắng duy trì các lễ hội ở làng, xã của mình. Tôi ví như Lễ Bỏ mả, vào những ngày Lễ Tết, nhiều cộng đồng dân tộc vẫn tổ chức và rất đông người đến xem. Đương nhiên là không thể đòi hỏi đồng bào tổ chức những lễ hội này thường xuyên, bởi lẽ để thực hiện được một lễ hội rất tốn kém, đồng bào phải mổ trâu, mổ bò, giết gà, lợn và kéo dài lễ hội trong 3 ngày. Trong nếp sống sinh hoạt xa xưa của người Tây Nguyên, Lễ Bỏ mả cũng chỉ được tổ chức ở những gia đình có điều kiện mà thôi. Bây giờ, chúng tôi phục dựng lại Lễ Bỏ mả, cũng sẽ rút xuống 3 tiếng tái hiện lại những nét cơ bản nhất.

* Mỗi một địa phương, mỗi dân tộc ở Tây Nguyên đều có những cách để bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng. Đối với tỉnh Gia Lai, biện pháp bảo tồn, phát huy và quảng bá đó là gì, thưa ông?

- Chúng tôi thực hiện vấn đề này từ khá lâu rồi. Từ năm 1985, lúc đó vẫn còn tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ), chúng tôi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tổ chức Liên hoan và hội thảo khoa học về cồng chiêng cấp tỉnh. Sau này, tỉnh Gia Lai và Kon Tum tách ra, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động này và đến giờ đã có 7 cuộc liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh. Qua những liên hoan này, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu rõ việc phải bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng. Đến giờ, số lượng cồng chiêng ở Gia Lai vẫn còn 5.655 bộ được lưu giữ ở buôn làng và có hơn 600 đội cồng chiêng thường xuyên biểu diễn. Đó là những nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các nghệ nhân.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các huyện tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức các lễ hội truyền thống có cồng chiêng; rồi việc nghiên cứu phục dựng một số lễ hội điển hình của đồng bào dân tộc; tổ chức truyền dạy nghề chỉnh chiêng, cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Hiện chúng tôi đang triển khai lồng ghép chương trình “trường học thân thiện” giữa hai bộ Giáo dục Đào tạo và VH,TT&DL, mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh ngay tại nhà trường.

* Xin cám ơn ông!

Hoàng Lân-HNMO

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất