Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 26/9/2009 17:45'(GMT+7)

Sân khấu Bắc – Nam hội ngộ

"Ngàn năm tình sử" của sân khấu Idecaf

"Ngàn năm tình sử" của sân khấu Idecaf

Sân khấu Bắc - Nam: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Theo danh sách đăng ký ban đầu sẽ có 27 vở của 19 đơn vị. Tuy nhiên, vào phút chót, vở kịch nói “Người đàn bà ngẩn ngơ” của Hội nghệ thuật nhân đạo Thành phố Hà Nội đã chính thức rút ra khỏi danh sách.

Ngoài các đoàn kịch ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đoàn kịch Lam Sơn – Thanh Hóa, Kịch Quảng Ninh, Kịch nói Hải Phòng, Kịch nói Nam Định, Kịch nói Hải Dương cũng đều có vở diễn tham gia khá chất lượng.

Mặc dù chủ đề của cuộc Hội diễn sân khấu lần này hướng tới kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nhưng trong số 26 vở diễn tham gia, chỉ có vài vở kịch lịch sử như: Mỹ nhân và anh Hùng – Nhà hát Kịch Việt Nam (Tác giả Chu Thơm – Đạo diễn NSND Lê Hùng); Ngàn năm tình sử - Kịch Idecaf (Tác giả Nguyễn Quang Lập – Đạo diễn NSƯT Thành Lộc); Kiều Loan – Nhà hát Tuổi trẻ (Tác giả Hoàng Cầm, Đạo diễn NSƯT Anh Tú); Nỏ thần – Kịch Phú Nhuận (Đạo diễn Đức Thịnh).

Thay vì thông tin Hội diễn năm nay bị “thất sủng” khi các đoàn phía Nam thờ ơ, thì với quyết định du Nam, Hội diễn có sự tham gia khá đông đảo từ đội ngũ sân khấu xã hội hóa. Điều đó tạo nên sự cạnh tranh khá gay cấn giữa các đơn vị nghệ thuật Nhà nước và tư nhân cả về số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự.

Ngoài hai sân khấu xã hội hóa dự 1 vở như Sân khấu Nụ cười mới với “Ông bà vú”; Kịch Đại Đồng với “Trai nhảy” thì toàn bộ các sân khấu còn lại đều tham dự hai vở.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận tham dự hai vở “Nỏ thần”, “Mẹ và người tình”; Sân khấu Kịch Sài Gòn của Phước Sang dự hai vở “Em lấy chồng xứ lạ”, “Bảy ngày cho mãi mãi”; Idecaf cũng không kém cạnh với hai vở “Ngàn năm tình sử” và “Hợp đồng mãnh thú”; Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần dự vở “Cánh đồng bất tận” và “Biển”.

Ảnh minh họa

Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần dự vở “Cánh đồng bất tận”


Ở phía Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ gút lại danh sách chỉ còn hai vở cũ tham gia là “Kiều Loan” và “Ai sợ ai” của hai đạo diễn Anh Tú, Chí Trung. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tham gia hai vở “Trên cả trời xanh” (đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu) và “Mỹ nhân và anh hùng” (Đạo diễn - NSND Lê Hùng). Riêng Nhà hát Kịch Hà Nội cũng chỉ tham gia hai vở “Điện thoại di động” (Đạo diễn NSƯT Hoàng Dũng) và “Mắt phố” (Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành).

Sau Hội diễn sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh từ 26/9 đến 7/10, Cục nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục tổ chức:

Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh (17/11 đến 27/11);

Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp Toàn quốc tại Tp. Hạ Long – Quảng Ninh (15/12 đến 23/12):

Hội diễn sân khấu Tuồng – Dân ca kịch chuyên nghiệp tại Tp. Đà Nẵng (8/01 đến 15/01/2010).

26 vở diễn sẽ được diễn liên tục từ ngày 26/9 đến 710 với 3 vở diễn/ngày. “Bản hùng ca linh thiêng” của Đoàn kịch nói Quân đội do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng sẽ là vở diễn mở màn trong đêm khai mạc Liên hoan tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo diễn “già” nhường sân cho đạo diễn “trẻ”

Khác với tình trạng một đạo diễn gạo cội bao sân Hội diễn, năm nay, các cây đại thụ trong làng sân khấu khá im tiếng khi NSND Doãn Hoàng Giang chỉ dựng hai vở trong đó nổi bật là “ Bản hùng ca linh thiêng” (Vở “Ngàn năm tình sử” không kịp dàn dựng cùng với Nhà hát Kịch Hà Nội). NSND Lê Hùng cũng dành sự đầu tư nhiều hơn cho “Mỹ nhân và anh hùng” trong số 3 vở ông dàn dựng tham gia Hội diễn.

Hội diễn năm nay thực sự là sàn thi đấu của các đạo diễn trẻ. Ngoài những tên tuổi dù trẻ nhưng đã được khẳng định như NSƯT Anh Tú với “Kiều Loan”, NSƯT Chí Trung với hài kịch “Ai sợ ai”, Giang Châu với “Người đánh trống ngũ liên” (Kịch Lam Sơn Thanh Hóa), Đào Quang với “Đường về” (Kịch nói Nam Định) thì Hội diễn cũng sẽ bắt gặp những tên tuổi đạo diễn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề như Đức Thịnh với “Nỏ thần” (Kịch Phú Nhuận) và diễn viên – đạo diễn trẻ Hạnh Thúy với “Dòng nhớ” (Công ty cổ phần DV-TT-QC Sài Gòn phẳng).

Trong suốt 10 ngày Hội diễn, cứ sau khi xem xong 5 vở, Ban giám khảo sẽ hội ý, chấm điểm độc lập bằng phiếu kín. Giám khảo là tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, cố vấn nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật của tác phẩm dự thi sẽ không được chấm tác phẩm của mình. Giám khảo là biên chế ở đơn vị nghệ thuật dự thi cũng không được chấm cho vở diễn của đơn vị mình.

Ảnh minh họa

Đạo diễn trẻ Đức Thịnh với vở kịch lịch sử “Nỏ thần” (Kịch Phú Nhuận)

Ngoài giải thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trên cơ sở từng thang điểm cho vở diễn và diễn viên thì Hội đồng Giám khảo sẽ bình chọn để tặng các giải thưởng riêng cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, thiết kế ánh sáng có nhiều tìm tòi, sáng tạo xuất sắc mang lại hiệu quả cao cho vở diễn tham gia Hội diễn.

Với việc tránh tình trạng cơn mưa giải thưởng, Ban tổ chức cho biết số lượng giải thưởng cho vở diễn sẽ không vượt quá 30% tổng số vở diễn tham gia Hội diễn. Số lượng giải thưởng cho diễn viên không vượt quá 30% tổng số diễn viên có tên trong bảng phân vai của các vở diễn tham gia Hội diễn./.

Theo VnMedia


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất