Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Bảy, 25/7/2015 21:44'(GMT+7)

Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại Bắc Kạn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại Bắc Kạn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Những thành tựu quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ta thời gian qua là một trong những bước tiến quan trọng của ngành y tế.

Cho đến nay, hầu hết các địa phương đều đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW, nhận thức đầy đủ quan điểm chỉ đạo, đã tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ chỗ nhiều nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền còn coi công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ của ngành y tế thì đến nay, hầu hết đã nhận thức rõ đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt về chuyên môn, kỹ thuật. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số kết quả đạt được cao hơn mục tiêu đề ra.

Nhiều kết quả, thành tựu quan trọng

Dự thảo Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình năm 2005 (năm đầu thực hiện Nghị quyết 46) là 70 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm, nhiều bệnh dịch nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi, đã đạt được nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn từ 1990 đến 2015 liên quan đến lĩnh vực y tế. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 9 quốc gia đạt tiến độ giảm tử vong mẹ, và một trong 23 quốc gia đạt tiến độ về giảm tử vong trẻ em, thành tựu giảm suy dinh dưỡng trẻ em nhanh và bền vững của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) và phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Mạng lưới y tế cơ sở  từ chỗ bị xuống cấp trầm trọng trong những năm 1980-1990 do tác động của sự chuyển đổi cơ chế kinh tế, từ năm 1995 trở đi, nhất là từ khi có Quyết định 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt Nghị quyết 46-NQ/TW, y tế cơ sở đã dần dần được củng cố và nâng cấp, trở thành nhân tố quyết định những thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân nước ta những năm gần đây. Tính đến nay, 99% xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm; 74,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 75% thôn, bản, tổ dân phố đã có nhân viên y tế hoạt động, trong đó tỷ lệ này là 94,6% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi, khoảng 80% trạm y tế xã đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường... tại trạm y tế, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Bên cạnh việc phát triển về quy mô, gần đây, Bộ Y tế đã có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 19/2013/BYT-TT hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3-12-2013. Sau một thời gian thực hiện, Bộ tiêu chí được đông đảo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, y tế ngành thực hiện, góp phần từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh tại các bệnh viện. Tình trạng quá tải bệnh viện Trung ương đã được giải quyết cơ bản như: Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương (giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép nay còn 6-7%)….

Đặc biệt, Bộ Y tế đã trình và được Chính phủ cho phép đưa nội dung kết hợp quân dân y thành một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và đã thực hiện mô hình kết hợp quân dân y một cách có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở y tế quân dân y kết hợp được xây dựng và tiếp tục được duy trì, phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, vùng có thiên tai bão lụt (phòng dịch, khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu). Bộ Y tế cũng đã đưa y tế biển đảo thành Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ 317/QĐ-TTg) và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về y tế biển đảo, thực hiện phong trào “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển”. Cùng với các chiến sĩ bộ đội, biên phòng, quân y, cán bộ y tế ở cơ sở không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, mà còn làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia các phong trào chính trị, xã hội ở cơ sở.

Khoa học và công nghệ lĩnh vực y - dược tiếp tục đạt được những thành công nổi bật ở tầm quốc gia và thế giới: Công nghệ sản xuất vắc-xin sản xuất trong nước đã đáp ứng được 10/11 loại vắc-xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các vắc-xin mới tiếp tục được nghiên cứu thay thế và cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Công nghệ ghép tiếp tục đạt thành công với ca ghép khối tụy- thận, góp phần cùng với thành tựu về ghép tim, gan, thận, giác mạc, tủy,… đưa công nghệ ghép tạng được thực hiện ở cả 3 miền. Các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực y học cơ sở tập trung vào nghiên cứu về gen, bước đầu nghiên cứu về ứng dụng tế bào gốc, các công nghệ sinh học phân tử được ứng dụng đã góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh tay- chân- miệng, sởi, cúm,.. phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh, dịch nguy hiểm. Kết quả nghiên cứu, sản xuất thuốc từ dược liệu như trinh nữ hoàng cung, cây thìa canh, diệp hạ châu đắng.. đã đạt được những kết quả cao, thương mại hóa được sản phẩm, xuất khẩu và đạt doanh thu cao. Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược. Nhiều công trình khoa học được tặng giải thưởng Nhân tài Đất Việt, được tặng giải thưởng Kovalevskai, công trình khoa học về y- dược luôn là một trong 10 thành tựu nổi bật hằng năm của khoa học và công nghệ Việt Nam.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém, vì sự phát triển trong tình hình mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ của một số địa phương còn chậm. Nhận thức về các quan điểm và các giải pháp của Nghị quyết 46-NQ/TW của một số Ban cán sự đảng và cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sắc. Đầu tư của Nhà nước cho y tế mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tổng chi ngân sách cho y tế chỉ đạt 7 - 8% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch về chất lượng các dịch vụ y tế giữa các vùng, miền đang là vấn đề lớn cần quan tâm; dịch vụ y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo còn ở mức độ thấp so với vùng đồng bằng, thành thị. Các chỉ số về sức khỏe của đồng bào có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền dẫn đến tình trạng mất công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nếu không được quan tâm giải quyết.

Việc phát triển y tế chuyên sâu, chăm sóc sức khỏe bằng các kỹ thuật cao còn chưa tiệm cận được với trình độ y học của các nước tiên tiến trên thế giới, cộng thêm chất lượng các dịch vụ y tế chưa cao nên vẫn còn có tình trạng người dân đi nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh. Tình trạng vượt tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn tồn tại kéo dài, chưa được giải quyết…

Nhằm đáp ứng sự phát triển của hệ thống y tế trong tình hình mới, khắc phục các tồn tại của hệ thống y tế hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo nguyên tắc tiếp tục hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, sắp xếp lại các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh vào một đầu mối theo mô hình trung tâm kiểm soát dịch, bệnh; các đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, vắc-xin, sinh phẩm y tế theo mô hình cơ quan quản lý thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm (FDA), thu gọn đầu mối các đơn vị y tế tuyến huyện thành một đơn vị thực hiện 2 chức năng: Y tế dự phòng và Khám chữa bệnh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện có và quản lý toàn diện sức khỏe.

Để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân trong thời kỳ mới, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Chính trị ra Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW, trong đó bổ sung một số định hướng phát triển hệ thống y tế trong tình hình đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Nếu được, kiến nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới; kiến nghị Quốc hội cho phép đánh giá thực hiện Nghị quyết 18/2008/QH12 về đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; kiến nghị Bộ chính trị chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

TG


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất