Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 1/9/2011 22:20'(GMT+7)

Phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trong cộng đồng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Yên Bái đã có 113 ca mắc bệnh tay chân miệng, rải rác tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Ngành Y tế Yên Bái đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị liên quan yêu cầu có sự phối hợp đồng bộ không để bệnh phát sinh thành dịch. Theo đó, công tác giám sát được tăng cường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, thuốc, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Trung tâm Y tế thành phố sẽ cấp thuốc Cloramin B cho 58 trường mầm non và trường có học sinh bán trú trên địa bàn để phun thanh khiết môi trường. Các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo người dân được cung cấp những kiến thức về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh tại các địa phương lân cận để chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống trên địa bàn.

* Ngành Y tế Bắc Giang phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, các trường học trong tỉnh tập trung thông tin tuyên truyền sâu rộng và thực hiện 8 thông điệp về phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là trong các nhà trẻ, mẫu giáo. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm được củng cố từ tuyến tỉnh đến thôn bản, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ca bệnh theo đúng quy định, hạn chế tối đa tình trạng lây lan, không để bùng phát thành dịch.

Bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho cán bộ trong ngành và cán bộ y tế các trường học về kỹ năng tuyên truyền, điều tra, xử lý ca bệnh, ngành Y tế tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn kiểm tra, bổ sung và chủ động xây dựng các phương án tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ở các bệnh viện và cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Các tuyến y tế tỉnh và huyện kiểm tra cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch và lập kế hoạch mua bổ sung để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi có dịch. Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng bệnh này trong cộng đồng và trong các trường học, nhất là các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh. Theo Trung tâm YTDP tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 79 ca mắc bệnh tay chân miệng, ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó, 73 người đã khỏi bệnh và chưa có tử vong. Riêng trong tháng 8/2011, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở tỉnh đã xấp xỉ bằng tổng số ca mắc bệnh này trong thời gian từ tháng 7 về trước.

* Theo Sở Y tế Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 1.600 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 18,75% so với tuần trước. Bệnh xảy ra ở hầu hết các địa phương, nhiều nhất là huyện Cai Lậy, thành phố Mỹ Tho, Cái Bè, Châu Thành. Điều đáng lo ngại là, dù không phải là chu kỳ hàng năm của bệnh sốt xuất huyết, nhưng đã có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết độ nặng nhập viện. Để chủ động phòng, chống không để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch, ngành y tế các địa phương trong tỉnh tổ chức ra quân tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, tập trung thực hiện chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy, khai thông cống rãnh, ao tù, thả cá bảy màu, cá lia thia vào bể, hồ chứa nước để diệt bọ gậy…

* Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành có số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH) nhiều so với cả nước, đã có 4 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng, nhưng ngành chức năng địa phương còn lúng túng trong triển khai chống dịch. Theo báo cáo của Sở y tế, tính đến cuối tháng 8, số ca mắc bệnh tay chân miệng của tỉnh gần 500 ca, bệnh SXH gần 1.000 ca, 2 ca tử vong. Hiện tại, dịch bệnh lan rộng ra nhiều địa phương, với hàng trăm ổ dịch lớn nhỏ. Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là xảy ra hiện tượng "dịch chồng dịch".

Nếu tình trạng này xảy ra gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống dịch, vì ngoài ngành chuyên môn, thì người dân cũng như chính quyền cơ sở khó phân biệt giữa bệnh tay chân miệng và bệnh SXH. Điều đáng nói là, 2 loại dịch bệnh này đã được cảnh báo trước và đã diễn ra trong thời gian dài nhưng cho đến nay, một số địa phương trong tỉnh vẫn "kêu" thiếu kinh phí, thiếu phòng điều trị bệnh cách ly, thuốc men, hóa chất…

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất