Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 18/9/2009 22:59'(GMT+7)

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Dùng đèn chống cận vẫn... bị cận

"Đèn chống cận thị" có thực sự bảo vệ mắt?

Chị Nguyễn Ánh Huyền - ngõ 79 An Dương (quận Tây Hồ, HN) bức xúc phản ánh với Lao Động: "Lúc con mới đi học, tôi nghe nói có đèn "chống cận thị", dù đắt tới 600.000đ/chiếc (do nước ngoài sản xuất), tôi vẫn quyết định mua. Chỉ sau hơn 1 năm đi học, cháu kêu mỏi mắt. Tôi cho cháu đi kiểm tra, bác sĩ phát hiện cháu bị cận". Khi được bác sĩ chuyên khoa mắt tư vấn, chị Huyền mới biết, thực tế là chưa có nghiên cứu nào về loại đèn "chống cận thị" này.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp sử dụng các loại đèn "chống cận thị" mà hiệu quả không cao. Vậy, thực hư của đèn "chống cận thị", "bảo vệ thị lực" là gì?

Dạo qua thị trường hiện nay, chúng tôi thấy, nếu mỗi đèn bàn thông thường có giá từ 45.000 - 55.000đ/chiếc, thì những chiếc đèn có gắn thêm "mác" đèn "chống cận thị" hay "bảo vệ thị lực" đã có giá tới 90.000 - 225.000đ/chiếc (loại đèn trong nước sản xuất). Cá biệt, có các loại đèn nhập khẩu của một số hãng nổi tiếng có thể tới 800.000 - 1.000.000đ/chiếc.

Theo quảng cáo của những người bán hàng thì loại đèn càng đắt tiền, khả năng chống lại các bệnh về mắt cho trẻ em càng tốt, nhờ đèn được trang bị mạch điện điều chỉnh tần số dòng điện ổn định, đem lại ánh sáng tốt, có tác dụng bảo vệ mắt, chống cận thị. Chính vì những quảng cáo hấp dẫn đó, nhiều phụ huynh không ngần ngại bỏ ra số tiền không nhỏ để mua các loại đèn nói trên.

Không có đèn bảo vệ thị lực

Theo TS Nguyễn Văn Khải thuộc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hoá, điện hoá: "Không có loại đèn nào có tác dụng "chống cận thị" và "bảo vệ thị lực" cả. Còn loại đèn học tốt nhất cho thị lực của trẻ phải đảm bảo màu sắc ánh sáng, độ rọi sáng, nhiệt độ màu và khoảng cách đèn với mặt bàn... Người sử dụng không đúng cách cũng có thể chính là tác nhân dẫn tới tình trạng thị lực giảm".

Theo TS Khải, nhiệt độ màu tốt nhất cho mắt nằm trong phổ nhạy cảm của mắt từ 4.000-5.300K. Độ rọi sáng đạt từ 300-500lux, trong quang trường có đường kính rộng từ 40cm trở lên. Như vậy, ánh sáng quá cũng không tốt cho mắt có thể gây chói mắt, ánh sáng không đủ buộc mắt phải căng ra điều tiết, lâu dần chính đây là yếu tố gây cận thị.

TS Khải cũng cho biết, đối với đèn học, độ rọi sáng trong vùng rọi sáng phải đồng đều, mắt thường chỉ chịu được độ chói tối đa là 1.000NIT. Vì vậy, đèn bóng dây tóc và bóng compact huỳnh quang đều làm cho mắt bị chói. Khoảng cách tốt nhất là nên dùng bóng compact 1U từ 9 - 11W hoặc là đèn LED có công suất khoảng 5W.

Đây là hai loại đèn có nguồn sáng dài, nên tạo ra trường sáng có độ rọi sáng đồng đều hơn là nguồn sáng điểm. Ngoài ra, khi mua đèn bàn cho con em mình, cần lưu ý loại đèn bàn của các hãng có uy tín phải có đầy đủ các thông số: Công suất, tần số, cường độ dòng điện, điện áp, tuổi thọ và nhiệt độ màu.

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý cách sử dụng đèn hơn là quá tin vào những lời quảng cáo về các loại đèn "bảo vệ thị lực" hiện có trên thị trường./.

(Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất