Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 9/9/2009 21:43'(GMT+7)

Đề cao giá trị con người

Năm 1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh người tàn tật. Cùng với các Nghị quyết, luật chuyên ngành khác liên quan đến người tàn tật  đã đem lại những thay đổi tích cực, cải thiện đời sống và việc làm người tàn tật. Tuy nhiên, cơ hội hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật đang là một thách thức như hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội…

Việc xây dựng luật người tàn tật/ người khuyết tật nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh người tàn tật năm 1998. Dự kiến dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu  tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 12 sẽ khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Người tàn tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện trên hệ thống văn bản pháp luật và chính sách đã ban hành trong những năm qua. Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm đưa chính sách pháp luật liên quan đến người tàn tật vào cuộc sống. Ngoài ra, một số luật khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần cho người tàn tật cũng đã được ban hành. Bằng những sự quan tâm đó, người tàn tật ngày càng tự tin hơn, hoà nhập với cộng đồng.

Việc xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho người khuyết tật không chỉ mang giá trị về mặt xã hội mà còn có giá trị rất lớn về mặt nhân quyền. Các nội dung cơ bản để đảm bảo các quyền bình đẳng, đặc biệt là quyền được sống một cuộc sống đầy đủ và có phẩm giá của người khuyết tật được đề cao. Theo ông Lương Phan Cừ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Dự án luật người tàn tật được xây dựng trên cơ sở kế thừa pháp lệnh 1998. Trong đó có quan điểm rất đổi mới của Đảng và Nhà  nước là người tàn tật cũng phải được hưởng quyền bình thường như những người bình thường khác, đồng thời người tàn tật cũng có quyền cống hiến và phải được cống hiến.

“Mọi người trong xã hội đã quan tâm hỗ trợ giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho người tàn tật. Họ là những người khó khăn, bất hạnh cần có bàn tay của người bình thường giúp đỡ họ để họ hoà nhập và hoà nhập được thì họ mới được hưởng những quyền lợi bình thường như những người bình thường khác. Đây là một tư tưởng rất là nhân văn, rất là đạo lý và phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”, ông Lương Phan Cừ nhận xét.

Số liệu của Bộ  Lao động – thương binh và xã hội cho biết: hiện nay nước ta có khoảng trên 5 triệu người tàn tật, trong đó 50% số người tàn tật có khả năng lao động nhưng thiếu việc làm. Đa số người tàn tật chưa có việc làm phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Trong khi đó bản thân những người tàn tật không muốn sống dựa vào người khác. Họ luôn có khát vọng vươn lên bằng chính sức lực và nghị lực của mình. Thực tế cũng đã chứng minh rất nhiều người tàn tật biết làm giàu, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật làm ăn rất hiệu quả. Những thành tích về văn hoá, thể thao mà người tàn tật đạt được cũng rất đáng nể. Nhưng để đạt được điều đó thì người tàn tật rất cần sự giúp đỡ tạo điều kiện của cả xã hội để người tàn tật hoà nhập với cộng đồng. Và chỉ khi hoà nhập thì họ mới được hưởng quyền con người như những người bình thường khác: Đó là quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học hành, quyền được có việc làm, quyền vui chơi giải trí.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ ở câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật thành phố Hà Nội tâm sự: “Tôi không muốn mọi người nhìn mình bằng cái nhìn thương hại, tôi chỉ cần sự cảm thông. Nếu được quan tâm tạo điều kiện, có việc làm phù hợp để  có thu nhập nuôi sống bản thân thì những người tàn tật như chúng tôi sẽ bớt mặc cảm và giảm bớt gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội”.  

Luật người tàn tật/ người khuyết tật ra đời sẽ thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo bình đẳng về hệ thống pháp luật giữa các nhóm cộng đồng dân cư. Đồng thời, luật hoá quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội đối với người tàn tật và đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định liên quan; đảm bảo điều kiện thực hiện các cam kết quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nước ta./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất