Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 22/9/2011 11:5'(GMT+7)

Bảo vệ thương hiệu nông sản

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để đòi lại nhãn hiệu từ doanh nghiệp Trung Quốc nếu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Có thể đòi lại được, nhưng chắc chắn sẽ tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc. Không ngoại trừ cả những thất thoát vô hình là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm cà-phê Việt Nam. Và những mất mát hữu hình từ việc bị kiện do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu hay bị ngăn cản xuất khẩu vào Trung Quốc - một trong mười thị trường nhập khẩu cà-phê lớn nhất của Việt Nam. Thiệt đơn, thiệt kép là điều mà sản phẩm cà-phê Buôn Ma Thuột có nguy cơ phải gánh chịu.

Mặc dù đây được coi là một hành động cạnh tranh không lành mạnh từ phía doanh nghiệp Trung Quốc, vì thực tế Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý quốc gia đã được bảo hộ từ năm 2005 và nổi tiếng trên toàn thế giới. Buôn Ma Thuột cũng được coi là thủ phủ cà-phê của Việt Nam và các sản phẩm cà-phê từ đây đã được xuất đi hơn 50 nước trên thế giới. Nhưng xét trên bình diện pháp lý, thì chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đăng ký bảo hộ thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột ở nước ngoài. Theo các luật sư, dù mỗi nước, Luật Ðăng ký thương hiệu có những điểm khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một nguyên tắc: ai nộp đơn đăng ký trước sẽ được quyền sở hữu. Sự chậm trễ của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài đã trở thành cơ hội cho sự sở hữu không lành mạnh của một doanh nghiệp khác.

Sự việc cà-phê Buôn Ma Thuột liên quan nhiều nông sản khác của Việt Nam. Nước ta là quốc gia xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng đứng số một, số hai trên thế giới, nhưng mới chỉ có khoảng 20% các sản phẩm này được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Do đó, nếu chúng ta không đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình thì nguy cơ bị mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi. Sự việc từ cà-phê Buôn Ma Thuột là một bài học mang tính cảnh tỉnh cao.

Thương hiệu không đơn thuần chỉ là một cái tên, đó là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của doanh nghiệp để tạo dựng uy tín cũng như niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm mang thương hiệu ấy. Thương hiệu được thể hiện qua nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa... Nó tạo ra giá trị, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp coi trọng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài./.

(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất