Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 27/12/2016 22:1'(GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp với các trường Đại học về “điểm sàn”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.

Các trường tự quy định "điểm sàn"

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015, 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Nghĩa là, thay vì quy định "điểm sàn" chung, Bộ giao cho các trường tự quy định "điểm sàn" tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển. Việc này đã được các trường CĐ thực hiện từ năm 2016.

Trên thực tế điểm sàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH). Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

“Khi đưa quy định bỏ điểm sàn vào dự thảo quy chế, Bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng, chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo”, Thứ trưởng Ga cho biết.

Hiện Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.

Làm rõ băn khoăn về “thí sinh ảo”

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng trao đổi thêm về hai vấn đề còn ý kiến khác nhau là “thí sinh ảo” khi cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng và khả năng nghẽn mạng Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ khi vận hành.

Thứ nhất, việc cho phép đăng ký nhiều nguyện vọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.

Dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

Trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ.

Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng nên hạn chế được tối đa tình trạng “thí sinh ảo” trong đợt xét tuyển chính.

Thứ hai, Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT là nơi công bố tất cả thông tin tuyển sinh của các trường.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc với khi làm thủ tục đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian qui định.

Do đó, Cổng Thông tin tuyển sinh chỉ hỗ trợ cho một số ít thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

“Việc công bố kết quả thi do các Sở GD&ĐT thực hiện. Việc xét tuyển ĐH do các trường thực hiện. Cổng thông tin tuyển sinh chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê nguyện vọng giúp các trường loại bỏ “thí sinh ảo”. Do đó so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng”, Thứ trưởng Ga thông tin./.

(Theo: VGP)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất