Ngành y tế và các địa phương trong cả nước đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống nhưng bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh ngày một gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Theo ngành y tế các địa phương, đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 800 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính từ tháng Sáu đến nay, trung bình mỗi tuần, toàn tỉnh phát hiện khoảng 70 trường hợp mắc bệnh và hiện nay, bệnh tay chân miệng không chỉ dừng lại ở trẻ nhỏ mà trẻ lớn cũng mắc bệnh và diễn tiến rất nặng. Riêng tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay đã có 100 trẻ phải nhập viện điều trị và nhiều ca khi đến viện đã biến chứng nặng phải nằm trong phòng cấp cứu.
Đồng Tháp đã ghi nhận 1.577 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, đã có một trường hợp tử vong. Hiện tại, bệnh tay chân miệng ở Đồng Tháp đang có chiều hướng gia tăng cùng với bệnh sốt xuất huyết mùa mưa.
Tỉnh An Giang đã có 146 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều ở các huyện Châu Phú 39 ca, thị xã Châu Đốc 25 ca, Chợ Mới 24 ca, thị xã Tân Châu 14 c, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ. Đặc biệt đã có hai trường hợp diễn tiến nặng chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, một ca tử vong tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang do thiếu hiểu biết, chủ quan của gia đình đưa trẻ đến điều trị muộn.
Cùng với việc tập huấn về chẩn đoán, điều trị, quy trình giám sát ca bệnh, xử lý khi có dịch bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã , ngành y tế các địa phương còn đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, nhân viên y tế các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình và truyền thông trên diện rộng để mọi gia đình đều biết cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt trong tháng Chín và tháng 11 là rất cao.
Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây nên các biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim và phù phổi, đe dọa tính mạng trẻ rất cao. Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh các công tác phòng chống của ngành y tế, người dân cần có ý thức giữ vệ sinh cho trẻ như không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; khi trẻ bị sốt, loét miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, là không cho trẻ đến trường trong thời gian mắc bệnh để tránh lây lan cho trẻ khác./.
(TTXVN)