Thứ Hai, 23/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Sáu, 18/5/2012 21:25'(GMT+7)

"Bệnh thừa tiền"

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

"Nền kinh tế thừa tiền thì lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền là hoạt động kém hiệu quả, gia đình cũng vậy, thừa tiền là tiêu dùng kém hiệu quả” - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Cuối tuần qua, sau một thời gian khá dài kêu khó huy động vốn, một số ngân hàng đã lên tiếng về tình trạng thừa tiền. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại phàn nàn vì không tiếp cận được nguồn vốn. Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn đã là lời cảnh báo cho nền kinh tế của ta, đã đến lúc phải cơ cấu lại.

Những thông tin về tình trạng các “cậu ấm”, “cô chiêu” của các gia đình khá giả ăn chơi sa đọa cũng đã minh chứng cho tác hại của “căn bệnh thừa tiền” ở một số gia đình.

Ở bình diện quốc gia, để khắc phục tình trạng thừa tiền phải có chính sách tài khóa và chính sách tiền lệ hợp lý. Để ngăn ngừa tình trạng lạm phát cao có thể quay trở lại do thừa tiền, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo rủi ro trong nhiều lĩnh vực, từ nợ công, xuất nhập khẩu đến thị trường lao động, qua đó công khai để xã hội giám sát.

Để giải quyết tình trạng ngân hàng thừa tiền mà nhiều doanh nghiệp lại đang rất cần vốn phải giảm được mặt bằng lãi suất, bảo đảm phù hợp với diễn biến lạm phát. Các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ,…) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Từng gia đình phải có chính sách chi tiêu, sử dụng hợp lý và hiệu quả đồng tiền có được.

Dưới góc độ kinh tế, đồng tiền phải thường xuyên lưu thông mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Thừa tiền và thiếu tiền đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong nền kinh tế, trong doanh nghiệp và trong từng gia đình. Vấn đề quan trọng là phải chuyển dịch được nguồn lực về tài chính và tài nguyên từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả./.

(Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất