Hàng trăm kiểu trục
lợi đã được các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân phát hiện;
các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải, cho thấy tình trạng trục lợi
đã trở thành một "căn bệnh" đặc biệt nguy hiểm cần phải được loại bỏ.
Dư luận tỉnh Kon Tum và cả nước chưa lắng xuống khi Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam có trụ sở tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội dù chưa trồng được một cây sâm nào vẫn công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh lên đến 600ha.
Rồi mới đây, cũng chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phát hiện dùng giấy xác nhận đã thu hồi từ lâu để đăng ký hồ sơ thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho sâm Ngọc Linh, bất chấp pháp luật, dư luận, sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng.
Có thể thấy, cách làm ăn kiểu trục lợi của doanh nghiệp đang
diễn ra khá phổ biến và không chỉ đơn lẻ ở một vài cá nhân, doanh
nghiệp mà còn tạo đường dây, lập nhóm để trục lợi trên các lĩnh vực đời
sống kinh tế - xã hội.
Phương thức làm ăn tùy tiện như vậy đã làm méo mó
chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây thất thoát tài sản và ảnh hưởng
đến sức khỏe của nhân dân. Điển hình như vụ đại án “chuyến bay giải cứu”
được Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử đã phơi bày thủ đoạn trục
lợi chính sách, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi trên những khó
khăn của nhân dân, bị dư luận cực lực lên án.
Còn hàng trăm kiểu trục
lợi khác được các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân phát hiện;
các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải, cho thấy tình trạng trục lợi
đã trở thành một "căn bệnh" đặc biệt nguy hiểm cần phải được loại bỏ.
Để trị "bệnh" trục lợi, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị
quyết, quy chế, quy định nhằm giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức; không ngừng hoàn thiện hệ thống
chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành
mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, đã xử lý nghiêm
minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai nếu
tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, có tính răn đe, giáo dục cao...
Tuy nhiên còn khá nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn cấu kết làm ăn theo
kiểu trục lợi.
Để trị "căn bệnh" này, vấn đề quan trọng là các bộ, ngành, địa phương
phải tích cực, chủ động hơn nữa trong củng cố, kiện toàn những công cụ,
cơ quan chức năng, chuyên môn như hải quan, thuế, tài chính, kế hoạch
và đầu tư, cũng như áp dụng công nghệ, chuyển đổi số... để quản lý chặt
chẽ, hiệu quả mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời xây dựng và thực
hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên,
không để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ công tác
trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực có cơ hội thông đồng,
cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi.
Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
những hành vi trục lợi bất chính như: Thông thầu, gian lận, làm hàng
giả, trốn thuế...
Chính quyền và các cơ quan chức năng, cơ quan thông
tấn, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng
rãi đến các tầng lớp nhân dân, trang bị cho người dân kiến thức, kỹ
năng tiêu dùng thông minh và thấy rõ tính nguy hại từ hành vi trục lợi
của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích người dân tích cực đấu tranh, tố
giác, lên án những trường hợp cố tình vi phạm./.
NGUYỄN ANH SƠN (qdnd.vn)